Các phóng viên của AFP cho biết cơn bão đã phần lớn đã đi qua khu vực dân cư và văn phòng thời tiết của Ấn Độ cho biết cơn bão đang suy yếu dần.
Khoảng 400 đến 500 nơi trú ẩn tạm thời đã bị hư hại ở Cox’s Bazar của Bangladesh nhưng không có báo cáo ngay lập tức nào về thương vong, ủy viên tị nạn Mizanur Rahman cho hay.
Tại Teknaf ở Bangladesh, các tình nguyện viên đã xuất hiện để dọn dẹp cây đổ và các chướng ngại vật khác trên đường.
Ông Kamrul Hasan, quan chức thuộc cục thiên tai Bangladesh cho biết, cơn lốc xoáy không gây ra “thiệt hại lớn” nào, với 750.000 người đã được sơ tán trước khi cơn bão đổ bộ.
Thông tin liên lạc với thị trấn cảng Sittwe của Myanmar phần lớn bị cắt đứt sau cơn bão. Đường phố trong thị trấn đã biến thành sông, khiến nhiều căn nhà tốc mái và mất điện trên diện rộng.
Người đứng đầu một trại tị nạn, ông Khin Shwe, nói rằng những người tị nạn tại đây đang theo dõi thủy triều dâng cao.
“Chúng tôi đang chờ xem nước biển có dâng đến chỗ của chúng tôi hay không… nếu nước biển dâng, trại của chúng tôi có thể bị ngập”, ông nói.
Hội Chữ thập đỏ Myanmar cho biết họ đang “chuẩn bị cho một phản ứng khẩn cấp lớn”. Các nhà dự báo thời tiết cho rằng cơn bão sẽ mang đến một trận mưa lớn, có thể gây ra lở đất.
Hàng trăm người cũng chạy khỏi đảo Saint Martin của Bangladesh, một khu nghỉ mát địa phương nằm ngay trên đường đi của cơn bão. Ủy viên hội đồng của đảo, ông Noor Ahmed, nói rằng cơn bão đã làm bật gốc hàng trăm cây cối trên đảo. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 người bị thương do cây đè và chưa có báo cáo tử vong nào tại đảo.
Ông Azizur Rahman, người đứng đầu Cục Khí tượng Bangladesh, cho biết Bão Mocha là cơn bão mạnh nhất tấn công Bangladesh kể từ Bão Sidr.
Bão Sidr từng tấn công bờ biển phía Nam của Bangladesh vào tháng 11/2007, giết chết hơn 3.000 người và gây thiệt hại hàng tỷ đô la.
Trung Kiên (theo AFP)