Đặc biệt, những tháng đầu năm nay, mô hình “Quyển sổ an sinh” ra đời giúp chị em phụ nữ tiết kiệm mỗi ngày để tham gia BHXH tự nguyện, đến nay mô hình này đã phát triển ở 3 xã Tân Hải, Rạch Chèo và Nguyễn Việt Khái.
Mặc dù ra đời sau nhưng mô hình “Quyển sổ an sinh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nguyễn Việt Khái đã thực sự lan toả đến các chị em phụ nữ, vào ngày thành lập mô hình đã có 32 chị tham gia.
Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho hội viên phụ nữ. |
Bà Ðào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, chia sẻ: “Thấy được lợi ích thiết thực từ BHXH tự nguyện nên Hội LHPN xã xin ý kiến lãnh đạo, ra mắt mô hình “Quyển sổ an sinh” nhằm tập cho chị em phụ nữ cũng như người dân có thói quen tiết kiệm, dành dụm tiền mỗi ngày một ít để tham gia BHXH tự nguyện, để khi về già có một khoản tiền chủ động kinh tế, không phiền con cháu. Từ phong trào đó, Hội vận động 11/11 chi hội và được các chị hưởng ứng nhiệt tình. Mục đích của mô hình không chỉ có chị em phụ nữ tham gia mà Hội LHPN xã sẽ tiếp tục nhân rộng trong toàn xã để mỗi người dân đều tham gia tiết kiệm mua BHXH tự nguyện”.
Hai vợ chồng đi lao động ngoài tỉnh, không may chồng bị nhiễm Covid-19 qua đời, chị Võ Kim Chúc (ấp Tân Quảng B, xã Nguyễn Việt Khái) quay trở lại quê nhà, 4 mẹ con đùm bọc nhau sống qua ngày. Thương con, thương cháu cảnh khó khăn, cha chị Chúc cho cái nền để dựng tạm nhà che nắng che mưa cho 4 mẹ con. Thấy hoàn cảnh đáng thương của 4 mẹ con nên Hội LHPN xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây được căn nhà và tạo việc làm cho chị. Hiện ngoài thu nhập từ gia công may tại một cơ sở ở xã Tân Hải, chị Chúc còn được phụ nữ xã vận động bà con cho chị đem lú về nhà vá để có thêm thu nhập. 3 đứa con của chị được Chủ tịch Hội LHPN xã nhận làm “Mẹ đỡ đầu”, hỗ trợ gạo, sách vở mỗi tháng.
Hiện cuộc sống của 4 mẹ con chị Chúc tạm ổn. Ðể chủ động cuộc sống bản thân khi về già, sau khi được tuyên truyền và hiểu về quyền lợi mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại, chị Chúc dành dụm tiền tham gia BHXH tự nguyện. “Mình tham gia BHXH tự nguyện để sau này về già không làm gánh nặng cho con cháu”, chị Chúc bộc bạch.
Bà Trương Kim Lến, ấp Sào Lưới, cho biết: “Hiểu về quyền lợi mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại nên cả hai vợ chồng tôi đều tham gia BHXH tự nguyện. Tôi còn vận động bà con lối xóm cùng tham gia”.
Các chị em tham gia chính sách an sinh tại tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT xã Nguyễn Việt Khái.
Ông Võ Thành Công, Giám đốc BHXH huyện Phú Tân, cho biết: “Mô hình “Quyển sổ an sinh” là mô hình mới ở huyện, qua học tập kinh nghiệm từ các huyện khác. Ðã qua có nhiều tổ, hội ở các xã nhưng hoạt động chưa đạt hiệu quả. Từ đầu năm, BHXH huyện chủ động phối hợp với Hội LHPN huyện triển khai mô hình “Quyển sổ an sinh”. Trong quý I đã triển khai và ra mắt tại 3 đơn vị: Tân Hải, Rạch Chèo và xã Nguyễn Việt Khái. Trong 3 tháng đầu năm, BHXH tự nguyện tăng gần 200 người, trong đó phát triển qua mô hình “Quyển sổ an sinh” khoảng 70 người”.
Mặc dù ngành chức năng có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, tuy nhiên đến cuối quý I, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện mới chỉ đạt 56% kế hoạch, tương ứng trên 1.700 người, thấp so với các huyện khác trong tỉnh. Ðây là một trong những khó khăn mà BHXH huyện Phú Tân đang gặp phải. Ðể phấn đấu sớm đạt chỉ tiêu năm, BHXH huyện đã chủ động đưa ra các giải pháp tham mưu cho Ban chỉ đạo phát triển BHXH, bảo hiểm y tế của huyện, theo đó giao chỉ tiêu cho từng xã, từng ngành. Ðồng thời, tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cũng như đề xuất cấp trên tập huấn chuyên sâu, hướng đến chuyên nghiệp, từ đó đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phấn đấu đến cuối năm toàn huyện có trên 3.500 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt chỉ tiêu được giao./.
Phúc Duy