Nhằm phát triển thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương, Quảng Ninh đã huy động tổng lực lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản (NTTS), chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương, thu gom rác thải… để trả lại vẻ đẹp cho biển.
TP Cẩm Phả là địa phương đi đầu trong việc lập lại trật tự trên biển. Từ năm 2018, TP Cẩm Phả đã triển khai di dời, bố trí, sắp xếp lồng bè NTTS vào các khu vực: Vũng Bầu (phường Quang Hanh), hòn Tổng Mười (phường Cẩm Thủy), hòn Cặp Vọ (phường Cẩm Trung)… theo quy hoạch chi tiết nuôi lồng bè tập trung trên biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đôn đốc giải quyết triệt để NTTS trái phép gây ô nhiễm môi trường biển, TP Cẩm Phả đã rà soát cụ thể các khu vực NTTS, xây dựng kế hoạch di dời lồng, bè, mảng NTTS trái phép, vận động người dân chủ động tháo dỡ để trả lại mặt nước biển. Các phường, xã, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý mọi di biến chuyển của các bè mảng trái phép trên biển; ra quân đồng loạt tháo dỡ, di dời hoặc tiêu hủy lồng bè nuôi trái phép; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc để tình trạng NTTS trái phép xảy ra. Với sự vào cuộc quyết liệt, thành phố đã hoàn thành tháo dỡ 4.699 dây phao, 2.466 mảng tre NTTS trái phép của 77/77 hộ trong tháng 3/2023.
Huyện Vân Đồn là địa phương có diện tích NTTS lớn nhất trên địa bàn tỉnh với trên 4.000ha NTTS, 1.392 cơ sở NTTS, trong đó có 971 tổ chức, cá nhân NTTS sử dụng phao xốp. Huyện Vân Đồn đã và đang huy động các lực lượng kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hỗ trợ người dân xoá bỏ hoàn toàn phao xốp để thay thế bằng phao nhựa HDPE hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Địa phương này đã tạm dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung lãnh đạo việc triển khai thực hiện; các tổ công tác từ huyện đến cơ sở đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ nhân dân cắt bỏ phao xốp; lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Nhằm làm sạch môi trường biển, huyện Vân Đồn liên tục huy động lực lượng, phương tiện ra quân thu gom phao xốp, làm sạch môi trường biển. Đồng thời, vận động nhân dân thay thế bằng phao nổi HDPE. Tính đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được trên 1,8 triệu quả phao nổi HDPE. Huyện đang tiếp tục huy động các nguồn lực chuyển đổi 98.000 quả phao HDPE trong tháng 5.
Nhằm phát triển bền vững, tháng 8/2020, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong cả nước ban hành Quyết định 31/2020/QĐ-UBND quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu nổi trong NTTS. Tỉnh đặt mục tiêu sớm thay thế hoàn toàn phao xốp bằng vật liệu nổi HDPE trong hoạt động NTTS ở 100% địa phương có biển. Tỉnh tiếp tục ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường quản lý và phát triển bền vững NTTS trên biển.
Tại cuộc họp ngày 6/3/2023, Thường trực Tỉnh ủy đã trực tiếp chỉ đạo kiên quyết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và thống nhất trong toàn tỉnh lập lại trật tự, kỷ cương đối với nghề nuôi biển, đồng thời không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, kể cả cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, giám sát về việc di dời đối với các hộ NTTS trái phép, tăng cường quản lý NTTS, kiểm tra chất lượng phao nhựa nổi do các đơn vị đã công bố hợp quy, thông báo rộng rãi danh sách các cơ sở sản xuất, cung ứng phao nhựa được công bố hợp quy theo quy định, rà soát việc giao, cho thuê mặt nước, khu vực biển đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; xử lý các hoạt động NTTS trái phép, không đúng quy hoạch… Các địa phương cùng vào cuộc đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi phao xốp; thành lập các đoàn kiểm tra liên tục bám sát thực địa; mạnh tay xử lý cán bộ buông lỏng quản lý; hỗ trợ người dân di dời; tạo lập gói vay ưu đãi về lãi suất cho các hộ NTTS…
Đặc biệt, tỉnh cũng huy động tổng lực ra quân thu gom, dọn dẹp, xử lý theo đúng quy định các bè, mảng, phao xốp trôi dạt trên biển làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, giao thông thủy và du lịch biển, từ đó, góp phần làm sạch môi trường biển, phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.