Ở một số người mà cơ địa có nhiều sắc tố hơn người bình thường, nướu vẫn có màu hồng đỏ nhưng sẽ hơi sẫm hơn so với người bình thường. Nướu cũng có thể đỏ lên kèm theo sưng nếu bị viêm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ngược lại, nướu bỗng dưng có màu nhạt thì có thể là dấu hiệu thiếu vitamin hay bệnh tim mạch. Với những người nướu chuyển sang màu đen, nguyên nhân không chỉ do cơ địa họ có nhiều hắc tố hơn mà còn do dát hắc tố tích tụ nhiều ở vùng nướu đó. Dát hắc tố là những đốm đen nhỏ lành tính, có mật độ hắc tố cao, hình thành do cơ thể sản xuất nhiều hắc tố hơn bình thường.
Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân cũng có thể là do chấn thương. Nướu cũng giống như da, những va đập cũng gây bầm tím. Khi đó, máu bầm sẽ khiến nướu chuyển sang màu đen. Với trường hợp này, người mắc không cần phải lo lắng gì vì nó sẽ tự khỏi.
Ở trẻ em, sự xuất hiện của các đốm đen trên nướu không phải là hiếm gặp. Điều này là do các bé đang trong quá trình mọc răng. Khi những chiếc răng mới bắt đầu trồi lên thì trên nướu có thể xuất hiện những đốm đen.
Trong một số trường hợp, nướu chuyển sang màu đen là dấu hiệu của vấn đề đáng lo ngại. Chẳng hạn, hội chứng Peutz-Jeghers sẽ khiến người bệnh có các nốt sẫm màu trên nướu. Chúng xuất hiện từ khi còn nhỏ và có thể biến mất khi trưởng thành. Hội chứng di truyền này dù là lành tính nhưng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Sự xuất hiện của các mảng sẫm màu trên nướu cũng có thể là triệu chứng của bệnh Addison. Đây là căn bệnh mà tuyến thượng thận của người mắc bị giảm khả năng tiết hoóc môn.
Viêm nướu loét hoại tử cấp tính cũng khiến nướu chuyển sang màu đen hoặc xám. Tình trạng nhiễm trùng này khiến các mô nướu chết dần. Bác sĩ sẽ dùng kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng.
Trường hợp xấu nhất là ung thư. Khi đó, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Dựa vào kết quả chẩn đoán mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp, theo Healthline.