Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận được nguồn vốn vay, nhất là các gói vay ưu đãi, chương trình cơ cấu lại thời gian trả nợ sẽ giúp các doanh nghiệp (DN), HTX duy trì ổn định sản xuất trong giai đoạn hiện nay.
Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Trên thực tế, nhiều DN, HTX mong muốn tiếp cận các chương trình, gói tín dụng với lãi suất phù hợp với trình tự, thủ tục đơn giản hơn để bổ sung thêm nguồn vốn đảm bảo duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
* Mong muốn giảm lãi suất
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) Đặng Thị Thúy Nga bày tỏ, HTX đang rất cần nguồn vốn để đầu tư kho lạnh, dây chuyền chế biến, đóng gói nông sản. Do đó, HTX mong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thay vì phải vay theo diện cá nhân, vay vốn thế chấp đất đai với lãi suất thông thường để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tương tự, bà Minh Thơm, đại diện một HTX sản xuất nông sản, trái cây sạch ở H.Long Thành cho hay, hiện nay nhu cầu vốn, nhất là nguồn vốn lưu động tăng để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất trong bối cảnh thị trường có nhiều “biến số”. HTX vẫn chủ yếu vay vốn dựa trên tài sản thế chấp với lãi suất thông thường. Do đó, HTX mong tiếp cận các khoản vay với lãi suất ưu đãi từ chương trình dành cho lĩnh vực nông nghiệp.
Trong những tháng đầu năm nay, nhiều DN mong muốn sớm được tiếp cận các gói vay vốn để duy trì, đảm bảo sản xuất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, nhất là sớm tiếp cận các chương trình hỗ trợ lãi suất vay để có thêm vốn phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo nhiều DN, hiện nay mức lãi suất vay vốn phổ biến đối với các khoản vay ngắn hạn rơi vào khoảng từ 9-12%/năm tùy vào điều kiện thẩm định của ngân hàng.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) Phạm Thế Linh chia sẻ, nguồn vốn lưu động rất cần đối với DN để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Là DN đã có thâm niên sản xuất hơn chục năm, hồ sơ tín dụng đáp ứng được nhiều điều kiện cho vay của các ngân hàng, công ty mong muốn được giảm lãi suất vay vốn để DN có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất ưu đãi dành cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
* Từng bước tháo gỡ vướng mắc
Đại diện nhiều DN, HTX chia sẻ, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ phía các ngân hàng vẫn là chuyện không dễ dàng, nhất là ở các tiêu chí, điều kiện để vay vốn, đặc biệt là các tiêu chí về phương án kinh doanh, hóa đơn chứng từ liên quan…
Nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, phù hợp để đảm bảo duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) |
Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, hiện nay, lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn còn cao, trong khi nhiều DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hoạt động khó khăn, đang phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Dự báo trong quý II-2023, sẽ còn tiếp tục khó khăn và thiếu các đơn hàng. Do đó, nhiều DN kiến nghị, Chính phủ tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay, giãn nợ vay, miễn giảm thuế phí để DN có thể duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội.
Trên thực tế, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho các DN, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Theo nhiều chuyên gia, phần lớn các DN không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nói chung, nhất là các nguồn vốn ưu đãi là các DN nhỏ và vừa, chưa đáp ứng được các yêu cầu với phương án kinh doanh, tài chính, không có tài sản thế chấp theo quy định nội bộ của các ngân hàng. Hơn thế nữa, dù các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhưng vẫn phải bảo đảm khả năng thanh khoản, bảo đảm an toàn cho ngân hàng cũng như toàn hệ thống theo quy định. Ngoài ra, nhiều ngân hàng muốn ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng cho các khách hàng truyền thống, những khách hàng vốn có đầy đủ điều kiện theo quy định của ngân hàng.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định, tình hình kinh doanh của nhiều DN đang gặp khó khăn, đơn hàng bấp bênh, sụt giảm do những ảnh hưởng kinh tế thế giới. Điều này khiến cho DN rất khó xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả do đầu ra không ổn định, khó đánh giá được những biến động khó lường của thị trường. Vì thế, cần có thêm cầu nối giữa ngân hàng và DN để hướng tiếp cận nguồn vốn phù hợp, nhất là các chương trình tín dụng ưu đãi.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, thực hiện từ ngày 24-4-2023 đến hết ngày 30-6-2024. |
Hải Quân
.