Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo nguồn nông sản hàng hóa sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bởi vậy, hiện nay một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ thủy canh…
Khu trồng bí đỏ ứng dụng khoa học và công nghệ của Công ty TNHH Đầu tư và Xây lắp Xuân Minh, thôn Phượng Ngô 1, xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa).
Tìm về khu trồng bí đỏ của Công ty TNHH Đầu tư và Xây lắp Xuân Minh ở thôn Phượng Ngô 1, xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) màu xanh của những ruộng bí như làm dịu đi cái nắng gay gắt của mùa hè. Dẫn chúng tôi đi quanh khu trồng bí, anh Lê Văn Hải, nhân viên công ty cho biết: Bí đỏ sau khi thu hoạch sẽ tiếp tục trồng khoai tây, bí xanh. Để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, công ty đã áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, nhất là việc lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương tự động giúp nước phân tán đều trên diện tích lớn, bảo vệ độ ẩm cho cây trồng, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng và giảm thiểu các loại bệnh phát triển trên cây trồng. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư hệ thống máy móc phục vụ cho việc làm đất, thu hoạch.
Xã Hoằng Lưu hiện có 10 ha rau, màu theo hướng VietGAP và công nghệ cao. Đây là các mô hình đều ứng dụng KH&CN và đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất đến kỹ thuật bón phân. Những năm qua, để tuyên truyền, vận động người dân tích cực mở rộng diện tích trồng rau, ứng dụng KH&CN trong sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập, xã đã đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất; thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn về ứng dụng KH&CN cho người dân; đẩy mạnh hoạt động xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN và chuyển giao cho nông dân.
Nói về việc ứng dụng KH&CN trong trồng rau màu, ông Lê Bá Duy, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa chia sẻ: Đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP với diện tích 30 ha. Các sản phẩm chủ yếu là dưa chuột baby, rau, đậu, khoai tây, bí các loại. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, hầu hết người trồng rau tại đây đều áp dụng KH&CN hiện đại từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Nhờ đó, năng suất, chất lượng rau, củ, quả trên địa bàn tăng lên rõ rệt. Để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao, huyện đang tập trung thực hiện tốt công tác tích tụ đất đai. Năm 2022 huyện đã tích tụ được 298 ha đất, trong đó diện tích đất dành cho trồng trọt là 105 ha, còn lại là để nuôi trồng thủy sản. Đồng thời triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, chú trọng xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ và bền vững giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả trong sản xuất rau màu cho người nông dân.
Huyện Nông Cống hiện có 37 ha trồng rau an toàn tập trung tại các xã Vạn Hòa, Thăng Long, Vạn Thắng, Công Liêm, Trường Sơn… Ngoài ra, còn một số diện tích trồng rau màu thủy canh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại các xã Tế Lợi, Thăng Long, Vạn Hòa… với quy mô từ 1.000 – 2.000m2/mô hình. Phương pháp sản xuất được bà con nông dân áp dụng theo hướng hữu cơ tập trung từ khâu xử lý đất, trồng cây con trong vườn ươm, sử dụng vòi phun sương tự động, hệ thống chứa nước sạch để tưới; phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc sinh học, sau khi phun thuốc đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch… Kết quả cho thấy, rau màu được trồng theo đúng quy chuẩn phát triển tốt, năng suất cao, bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo tính toán của người dân, việc trồng rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5 đến 7 lần so với trồng lúa. Huyện Nông Cống đã tích tụ, tập trung được trên 2.000 ha đất để sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, nhờ đó đã từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nông dân để xác lập những vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 97 vùng sản xuất, thâm canh rau an toàn tập trung, với diện tích khoảng 13.000 ha, sản lượng đạt khoảng 170.754 tấn/năm. Trong đó, diện tích rau an toàn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 4.000 ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm bớt sức lao động hầu hết người trồng rau trên địa bàn tỉnh đều tích cực ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung do đặc thù canh tác rau màu của nông dân trong tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đảm bảo khối lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp để có thể kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư tạo chuỗi liên kết và đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất. Chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, nhất là về chế biến nông sản, bởi vậy chưa hình thành chuỗi liên kết trong trồng trọt, bao tiêu sản phẩm… Để tiếp tục phát triển các vùng sản xuất rau màu tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần giúp người nông dân tiếp cận dần với những yêu cầu kỹ thuật canh tác, mức đầu tư, trình độ quản lý cao hơn để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ điều kiện về năng lực để tiếp nhận và vận hành công nghệ.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt