Tập trung thi đấu, không phàn nàn dù bất lợi
Khi lịch thi đấu sắp xếp hai nội dung chung kết 1.500 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật vào chiều 9.5 của nữ hoàng điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh chỉ cách nhau 20 phút, nhiều người xem đã la oai oái khi cho rằng BTC ép VĐV Việt Nam, vì làm sao hồi phục kịp khi mới chạy xong một nội dung rồi thi tiếp nội dung khác mà mục tiêu đều phải có HCV. Nhưng hơn ai hết, BHL đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng như cá nhân Nguyễn Thị Oanh thừa hiểu lịch này không phải từ chủ nhà SEA Games tự ý đặt ra mà do bộ phận sắp xếp thi đấu của Liên đoàn Điền kinh châu Á thay đổi.
Ban đầu hai nội dung này đấu hai ngày khác nhau, nhưng sau đó họ điều chỉnh lịch dựa trên sườn của các giải quốc tế khác và cho rằng như thế là phù hợp. Nhưng BTC đâu biết khi hoán chuyển như vậy vô tình khiến Oanh thay vì thi hai ngày thì lại bất lợi phải tranh tài hai nội dung quá gần nhau.
Thế nên dù có ý kiến đề nghị phải phản ứng mạnh hoặc buộc BTC lùi thời gian thi đấu thêm nửa tiếng đến 1 tiếng, nhưng HLV Trần Văn Sỹ và bản thân Nguyễn Thị Oanh chấp nhận cuộc chơi vì biết rằng, có yêu cầu thì cũng không thể thay đổi được, nên chấp nhận xem đây như một thử thách cần phải vượt qua. Ông Sỹ nói: “Ban đầu chúng tôi rất ngỡ ngàng vì BTC cũng có danh sách trong tay biết Oanh thi đấu hai nội dung này, về nguyên tắc là không thể quá gần nhau. Nhưng sau đó chúng tôi hiểu rằng phải tôn trọng cuộc chơi, cứ thể hiện tinh thần cao thượng, tập trung chơi tốt từng nội dung, vì Oanh cũng thi 5.000 m và 10.000 m nên đủ sức bền để chiến thắng hai nội dung này”. Thực tế nhờ sự tập trung cao trong thi đấu, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam đã chứng minh hùng hồn nghị lực và ý chí phi thường để chiến thắng những bất lợi.
Chơi đẹp để tôn vinh hình ảnh Việt Nam
Cũng rơi vào tình trạng bất lợi nhưng chủ yếu đến từ sự chấm điểm của trọng tài, môn võ kun khmer (võ truyền thống của Campuchia) đã chứng kiến nhiều trận bại đổi thành thắng. Với các môn võ chưa có hệ thống phần mềm kỹ thuật tự chấm điểm mà còn dựa vào yếu tố chấm điểm bằng mắt thường của trọng tài thì không thể tránh khỏi những cảm tính chi phối. Võ sĩ Việt Nam Lê Công Nghị ở hạng cân 51 kg nam là nạn nhân như vậy, dù cả ba hiệp trên sàn đấu anh là người chủ động ra đòn, tấn công quyết liệt đối thủ, nhưng kết quả nhận về thì cay đắng.
Hiểu rõ những khó khăn như thế, nhất là phải thi đấu dưới bầu không khí cuồng nhiệt của hàng ngàn khán giả ngồi chật kín xem môn võ này, nên có nhiều HLV nhắc nhở VĐV cần phải giữ đầu lạnh, đánh bay cảm xúc và sự ức chế chi phối. Bản thân VĐV cũng cần biết tiết chế sao cho phù hợp để dù thắng hay bại cũng phải chơi thật cao thượng. Trường hợp của nữ võ sĩ nhiều kinh nghiệm Bùi Yến Ly ở hạng cân 57 kg nữ hoàn toàn có thể thắng knock-out võ sĩ chủ nhà ngay hiệp 1, khi cô thể hiện rõ đẳng cấp hơn hẳn, tấn công liên tiếp khiến đối thủ hai lần gục xuống sàn đấu. Lúc đó Ly cũng đã có những biểu hiện như nhảy lên dây đài đứng giơ tay mừng chiến thắng. Hình ảnh đó không sai nhưng nữ võ sĩ Việt Nam nhận ra nên kịp chế ngự cảm xúc.
Khi đối thủ gắng gượng đứng lên với hai chân không còn vững, Yến Ly thay vì tấn công kết liễu luôn thì võ sĩ Việt Nam sau khi hội ý với BHL đã quyết định chỉ đánh để thắng điểm chứ không quyết tâm hạ knock-out. Một phần Ly muốn hình ảnh kết thúc trận đấu đẹp, phần khác như cô tâm sự sau đó: “Tôi biết mình sẽ thắng nên muốn chơi fair play để trận đấu diễn ra trọn vẹn đủ 3 hiệp, để khán giả thấy rằng mình cũng muốn cùng với võ sĩ của họ tạo nên sự cân bằng hơn cho sự phát triển môn này, chứ không phải thắng nhanh làm khán giả hụt hẫng”. Có lẽ nhờ thái độ đó mà có cảm nhận càng về sau Yến Ly lại được khán giả hoan nghênh khi cô được công bố thắng điểm thay vì thắng knock-out. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã cho thấy sự cao thượng được thực hiện hợp lý, góp phần tôn vinh hình ảnh thể thao Việt Nam.