Từ những quả mướp đắng quen thuộc, ông Lê Đình Thuận (SN 1975, trú thôn Trung Thành, xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) – Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất, chế biến rau củ quả Trung Thành đã tâm huyết chế biến thành “thảo dược” mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình.
Video: Trà mướp đắng Mai Hương mang lại giá trị kinh tế cao.
Sau thời gian tìm hiểu trên mạng và tham quan thực tế các mô hình sản xuất trà mướp đắng ở tỉnh bạn, nhận thấy đây là loại trà dễ làm, tốt cho sức khoẻ và nguồn nguyên liệu luôn sẵn có tại địa phương, đầu năm 2019, ông Lê Đình Thuận đã quyết định chế biến thử nghiệm loại trà này với mong muốn nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của quê hương.
Quyết tâm thực hiện ý định, ông Thuận đã mạnh dạn vay vốn từ người thân, đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng mô hình và quyết định thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất, chế biến rau củ quả Trung Thành để liên kết sản xuất, cùng nhau làm giàu.
Những năm đầu, việc chế biến trà mướp đắng ở dạng thủ công. Các công đoạn như thái, sấy đều do con người làm; chất lượng chưa cao nên sản phẩm làm ra còn ít người sử dụng. Đến đầu năm 2021, cơ sở đã mua thêm máy móc hiện đại để chế biến sản phẩm và quyết định đặt tên sản phẩm là trà mướp đắng Mai Hương.
Để có nguồn nguyên liệu làm trà tốt nhất, ông Thuận đã liên kết với THT sản xuất rau củ quả an toàn xã Cẩm Trung – một trong những THT sản xuất mướp đắng theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, ông còn thu mua thêm mướp đắng của các hộ trồng theo quy trình hữu cơ trên địa bàn để chế biến sản phẩm.
Mỗi ngày, cứ đều đặn vào sáng sớm, ông Thuận đến các nhà vườn trồng mướp đắng đã cam kết bao tiêu sản phẩm trước đó để thu gom nguyên liệu. Theo ông Thuận: Việc đến các vườn hỗ trợ bà con thu hoạch giúp tôi tuyển chọn được những quả đạt chất lượng nhất, từ đó sản phẩm trà sẽ ngon hơn sau khi chế biến.
Ông Võ Văn Tam (bên phải, người dân thôn Trung Thành, xã Cẩm Trung) phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi trồng gần 1.000m2 mướp đắng. Trước đây, vào vụ thu hoạch, tôi phải mang ra các chợ để bán, giá cả lúc được, lúc mất. Tuy nhiên, từ khi THT chuyên sản xuất trà của ông Thuận được thành lập, sản phẩm mướp đắng của gia đình được bao tiêu 100% với mức giá ổn định, mỗi vụ đem về cho gia đình trên 30 triệu đồng.
Mướp đắng sau khi thu hoạch sẽ được phân loại và làm sạch bằng nuớc.
Đặc biệt, để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, ông Thuận đã đầu tư thêm máy diệt khuẩn. Ông Thuận cho hay: Qua tìm hiểu, tôi được biết trà mướp đắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể; ngoài ra, loại trà này còn rất hữu ích đối với người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp… Với những công dụng được ví như “thảo dược”, tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng mà trà mướp đắng mang lại, chúng tôi luôn chú trọng khâu đảm bảo chất lượng nhằm bảo vệ sức khoẻ khách hàng.
Sau khi rửa xong, mướp đắng sẽ được cho vào máy để thái lát. Được biết, thời điểm này, bình quân mỗi ngày, THT của ông Thuận thu mua từ 5 – 7 tạ mướp đắng, cao điểm những ngày nắng nóng, THT của thu mua trên 1 tấn.
Sau khi được thái lát dày chừng chừng 3 mm, mướp đắng sẽ được rải đều vào các khay…
Sau đó, ông Thuận cho vào lò sấy. Cứ 15 kg mướp đắng tươi sẽ sấy được 1 kg trà. Công đoạn sấy thường kéo dài 9 tiếng và cứ sau 4,5 tiếng sẽ được đảo một lần để sản phẩm trà được khô đều và thơm ngon hơn.
Sau khi sấy xong, trà sẽ được đóng gói và cho vào hộp cẩn thận. Đặc biệt, để sản phẩm có chỗ đứng và thị trường tiêu thụ rộng lớn, đầu năm 2023, ông Thuận đã đăng ký tham gia tập huấn kiến thức, làm hồ sơ để xây dựng, phát triển thương hiệu trà Mai Hương trở thành sản phẩm OCOP. Qua nhiều vòng thẩm định chất lượng, sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện.
Trung bình mỗi năm, THT của ông Thuận thu mua trên 100 tấn mướp đắng tươi cho bà con trên địa bàn. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật trong các khâu nên sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và được khách hàng khắp các tỉnh, thành trên cả nước tin tưởng, ủng hộ.
Văn Chung