GIỮ VỮNG TÂM THẾ
Thất bại trước U.22 Indonesia đã chỉ ra những hạn chế của một tập thể chỉ vừa bắt đầu trong hành trình thay đổi sang triết lý chơi bóng hoàn toàn mới.
Đơn cử như hai bàn thua đến từ quả ném biên vốn là đòn sở trường của các cầu thủ Indonesia, đội tuyển U.22 Việt Nam chỉ kịp phân tích qua băng hình. Nó rất khác với đội tuyển Việt Nam thời ông Park Hang-seo đã được rèn rất kỹ từng chi tiết trên sân tập để khắc chế ngón đòn lợi hại này. Thực tế mà nói, rất khó để HLV Philippe Troussier có thể làm tốt hơn cho tập thể non trẻ thiếu kinh nghiệm với chỉ 2 tháng cầm quân.
Nếu ông Park luôn đòi hỏi những đợt tập huấn dài hạn tầm 45 ngày trở lên thì ông Troussier chỉ có những đợt tập trung ngắn ngày. Trong những ngày hội quân ngắn ngủi đứt quãng đó với quân số hiếm khi đầy đủ, chiến lược gia người Pháp chỉ có thể kịp cho học trò tập làm quen với triết lý mới. Nói cách khác, U.22 Việt Nam đến lúc này vẫn đang trong quá trình đập đi xây lại. “Phù thủy trắng” mới chỉ có thể giúp đội bóng bước vào giai đoạn xây thô chứ chưa thể tính toán “nội thất” chi tiết được. Do vậy, sẽ rất khó để ngay lập tức đội tuyển U.22 Việt Nam có sự thay đổi lột xác về chuyên môn chỉ vài ngày sau thất bại trước U.22 Indonesia.
Sau trận đấu, HLV Troussier và đội bóng đã có buổi ngồi lại với nhau để phân tích những điều “điên rồ” đã xảy ra trong trận đấu giàu cảm xúc và kịch tính trước U.22 Indonesia. Đó là trận knock-out khắc nghiệt đầu tiên của rất nhiều cầu thủ trẻ, và ông Troussier yêu cầu họ hãy nhớ kỹ bài học để không lặp lại nữa. Với kinh nghiệm của mình, chiến lược gia người Pháp hiểu rõ điểm mấu chốt để hướng tới trận tranh HCĐ chính là giữ vững tâm thế nhằm duy trì cuộc cách mạng lối chơi. Ngã ở đâu thì phải đứng dậy ngay tại đó để tiếp tục đi về phía trước!
CẦN BẢN LĨNH VƯỢT QUA THẤT BẠI
Sáng 14.5, tiền vệ Thanh Nhàn đã được đưa đi chụp MRI để kiểm tra mức độ chấn thương và được chẩn đoán bị lật sơ mi, chỉ phải nghỉ khoảng 3 tuần. Vị trí của anh nhiều khả năng sẽ được ông Troussier trao cho Văn Khang như mọi khi, trong vai trò tiền đạo phải sơ đồ 3-4-3 quen thuộc. Việc tiếp tục thi đấu lúc 16 giờ trên sân Olympic sẽ buộc “Phù thủy trắng” cân nhắc hai vấn đề: thể lực và động lực. Thực tế trước U.22 Indonesia thì U.22 Việt Nam đã chơi tốt về thể lực. Văn Cường là cầu thủ đội hình chính duy nhất đá trọn trận đấu với U.22 Thái Lan được thay ra đầu hiệp 2. Về lý thuyết, anh hoàn toàn đủ sức tiếp tục ra sân trước U.22 Myanmar. Văn Tùng, Thái Sơn, Văn Đô và bộ ba trung vệ Ngọc Thắng, Quang Thịnh, Tuấn Tài là những cái tên đá trọn 90 phút trước U.22 Indonesia. Họ sẽ được ông Troussier đánh giá lần cuối trong buổi tập ngày 15.5, trước khi quyết định có đá từ đầu trước U.22 Myanmar cũng rất mạnh thể lực hay không.
Thế nhưng mấu chốt vấn đề sẽ là động lực và khát khao mà các cầu thủ đã thể hiện suốt SEA Games 32. Nó không phải là nhu cầu thể hiện bản thân mà ở tuổi trẻ đôi khi sẽ biến thành một chút ích kỷ, mà là khát khao đóng góp vào thành công chung của đội bóng. Những thành công tạo ra động lực, nhưng những thất bại cũng sẽ có ý nghĩa sàng lọc tích cực để trui rèn bản lĩnh. Đặc biệt với tập thể còn non trẻ chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình dài hơi, HLV Troussier chưa bao giờ có một lời chê trách bất chấp áp lực của dư luận. Ông như người cha đứng ra che chắn mọi sóng gió, nhưng khi “đóng cửa dạy bảo” sẽ rất nghiêm khắc thúc đẩy con nhỏ đối mặt chính bản thân mình để trưởng thành. Không ai muốn về nhà bằng một thất bại. Đội tuyển U.22 Việt Nam cần một chiến thắng để chứng tỏ với đông đảo người hâm mộ, đã từ chỗ nghi ngờ chuyển sang kỳ vọng, rằng mình đủ bản lĩnh để phản ứng tích cực với thất bại và sẽ tiếp tục trưởng thành. Đó là phản ứng ông Troussier cần ở những chàng trai trẻ của mình.