15:20, 11/05/2023
BHG – Tận dụng tối đa tiềm năng vị trí trung tâm các huyện vùng Cao nguyên đá và có nhiều tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đan xen, huyện Yên Minh chủ trương tập trung phát triển các loại nông sản đặc trưng gắn với du lịch, tạo thêm sinh kế, việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh kiểm tra hiệu quả mô hình xoài hàng hóa tại xã Hữu Vinh. |
Thực hiện Nghị quyết số 11 – NQ/TU ngày 2/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 17 – NQ/TU ngày 10/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, BCH Đảng bộ huyện Yên Minh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07 và các chương trình hành động thực hiện chủ trương “Phát triển chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Đảng bộ huyện xác định tập trung khai thác lợi thế về du lịch, các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung, với nhiều sản phẩm đặc trưng; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thu hút du khách đến tham quan; sản xuất những sản phẩm đặc trưng của địa phương, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của du khách… Nhóm các sản phẩm chủ lực gồm: Lúa chất lượng cao, cây ăn quả, chè, dược liệu; chăn nuôi gia súc, gia cầm địa phương và các sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Nguyễn Đình Duẩn chia sẻ: Với điều kiện thực tiễn địa phương, chúng tôi xác định từ nay đến năm 2025 duy trì trên 2.280 ha đất trồng lúa, phấn đấu 20% sản xuất lúa chất lượng cao; phát triển các loại cây ăn quả chủ lực (Hồng không hạt, lê, Xoài) đạt gần 800 ha; duy trì và khai thác hiệu quả 700 ha chè; mở rộng diện tích cây dược liệu đạt trên 650 ha, tập trung phát triển cây Thảo quả, Sa nhân, Đương quy, Hồi, Sả… và đưa một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao vào trồng thực nghiệm; phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi đạt 35% cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp; giai đoạn 2021 – 2025 phát triển mới 10 trang trại gia súc, gia cầm; phát triển các sản phẩm OCOP… Những sản phẩm nông nghiệp chủ lực phải trở thành hàng hóa phục vụ du lịch. Đồng thời hướng tới mục tiêu đưa huyện trở thành trung tâm phát triển du lịch sinh thái – đô thị xanh của tỉnh, công suất phục vụ đáp ứng tối thiểu 160 nghìn lượt khách/năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng phục vụ tối thiểu 200.000 lượt khách/năm; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Sau 2 năm triển khai, Yên Minh xây dựng được vùng cây ăn quả trọng điểm, chủ lực với trên 650 ha Hồng không hạt, lê, xoài; trong đó trên 330 ha cho sản phẩm; thương hiệu xoài Yên Minh đang dần được khôi phục từ những giống xoài mới, với năng suất chất lượng cao. Vùng sản xuất lúa chất lượng cao triển khai tại 5 xã được hình hành với tổng diện tích 120 ha, trong đó trọng điểm tại xã Mậu Duệ 80 ha, với sản phẩm gạo chất lượng cao đã tạo được thương hiệu trên thị trường. Các loại cây dược liệu thu hút sự quan tâm, phát triển của nhiều địa phương, hình thành vùng trồng cây dược liệu (Thảo quả, Hồi, Sa nhân) ở các xã Ngọc Long, Du Già, Du Tiến, Đường Thượng, Lao Và Chải với trên 670 ha, vượt mục tiêu đề ra, sản lượng trên 150 tấn/năm. Phát huy giá trị vùng chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Ngam La, Mậu Long, Đông Minh, Bạch Đích với sản lượng trên 1.500 tấn/năm. Đàn gia súc phát triển ổn định, với nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn được hình thành… Các sản phẩm đặc trưng hàng hóa của Yên Minh ngày càng thu hút sự quan tâm, dừng chân thưởng thức du khách đi qua và lưu trú tại địa bàn.
Bài, ảnh: Lương Hà