Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải bồi đắp sức mạnh nội sinh ấy bằng cách nào? Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã gặp gỡ với một số chuyên gia, Đại biểu Quốc hội để cùng đàm đạo xung quanh vấn đề này.
TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV; nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:
Dân tộc Việt Nam luôn giữ vững truyền thống, kiên định, thủy chung nhưng cũng luôn đổi mới và sáng tạo “để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”*
+ Thưa Tiến sĩ, trong thời đại hội nhập sâu rộng hiện nay, sức mạnh nội sinh của một quốc gia trở thành yếu tố quan trọng để xác định sự thành công và vị thế của quốc gia đó trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Vậy, theo ông, sức mạnh nội sinh của Việt Nam là gì? Sức mạnh ấy có thể giúp đất nước tận dụng được cơ hội phát triển trước những thay đổi và biến động của thế giới như thế nào?
– Phạm trù “sức mạnh nội sinh của một quốc gia” có nội hàm rất rộng, đồng thời luôn luôn là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn thách thức, hiểm nguy để tồn tại và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Sức mạnh nội sinh của một quốc gia xác định bởi 3 nhóm yếu tố chủ yếu, bao gồm:
Thứ nhất, yếu tố tự nhiên: Vị trí địa lý thuận lợi, giàu tài nguyên thiên nhiên, quy mô diện tích đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thứ hai, yếu tố kinh tế – xã hội: Quy mô dân số, tiềm lực kinh tế, ổn định chính trị – xã hội, sức mạnh quốc phòng, tinh thần quốc gia.
Thứ ba, yếu tố văn hóa, đó là “sức mạnh mềm” mà cơ bản là hình ảnh quốc gia, sự hấp dẫn về văn hóa quyết định.
Việt Nam có một nền văn hóa phong phú và đa dạng với những giá trị truyền thống rất đáng quý như lòng yêu nước, tình đoàn kết, sự kiên trì và sức chống chịu. Việc tôn vinh, phát huy và làm giàu những giá trị văn hóa này sẽ giúp nâng cao lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin và sức mạnh của nhân dân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn vào những mặt tồn tại, bất cập và tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội để vun đắp, kiến tạo những giá trị văn hóa mới mẻ, tốt tươi.
Bác Hồ đã từng dạy: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Quan trọng hơn nữa, Người đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác. “Văn hóa không thể đứng ngoài, mà phải trong kinh tế và chính trị”; ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm “trong văn hóa”.
Kinh tế là nền tảng vật chất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Kinh tế và văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh cuối cùng đều phục vụ nhiệm vụ chính trị là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững. Văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế. Đồng thời, kinh tế, chính trị, xã hội phải được văn hóa soi đường thì mới thực sự đem lại sự phồn vinh, hạnh phúc bền vững cho các thành viên trong xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh “sức mạnh mềm” văn hóa, Việt Nam còn là quốc gia có vị trí địa lý khá thuận lợi với tiềm năng địa lý – địa chất, đa dạng sinh học và khí hậu phong phú mà có thể khai thác phục vụ phát triển đất nước và cuộc sống con người. Khi nói đến tài nguyên thiên nhiên thì chúng ta cần tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn tài nguyên hữu hạn.
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia tuy không phong phú mà thậm chí rất nghèo tài nguyên nhưng đã vươn lên thành các quốc gia phát triển, quốc gia mới nổi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel… Chúng ta phải giữ gìn và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên tái tạo của đất nước cho quá trình phát triển bền vững.
Sức mạnh nội sinh của Việt Nam rất quan trọng trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay – đó là một trong những yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và có khả năng ứng phó với những thách thức, khó khăn từ môi trường bên ngoài. Khi sức mạnh nội sinh được bồi đắp và phát triển đúng cách, Việt Nam sẽ có thể tăng cường sức cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.
+ Việc bồi đắp và phát huy sức mạnh nội sinh của Việt Nam cần phải dựa trên những cơ sở nào, thưa ông?
– Đã nói đến sức mạnh nội sinh thì cũng có nghĩa là song song tồn tại với nó là sức mạnh ngoại sinh. Sức mạnh ngoại sinh, tôi cho rằng là các yếu tố trong khu vực và quốc tế đem lại thời cơ giúp phát huy sức mạnh tổng hợp của một quốc gia. Người ta cũng bàn nhiều và đưa ra luận điểm, minh chứng về việc có thể biến nguy cơ thành cơ hội; hoặc ngược lại, một số quốc gia đã để tuột tay những cơ hội ngàn vàng.
Cương lĩnh và Chiến lược phát triển Đất nước do Đại hội Đảng khóa XIII đề ra đã khẳng định các nhiệm vụ chiến lược và các khâu đột phá. Trên tinh thần đó, chúng ta cần nhấn mạnh một số định hướng như sau:
Thứ nhất, tăng cường đào tạo và phát triển nhân lực. Việc nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng và phẩm chất của người dân sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng vật chất và cơ sở hạ tầng mềm; tạo điều kiện thuận lợi nhất phát triển các ngành kinh tế có lợi thế và có thể cạnh tranh ở thị trường quốc tế, trên cơ sở tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đem lại.
Thứ ba, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng nhất và là công cụ vô giá để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao sức mạnh, tính cạnh tranh của nền kinh tế cũng như sản phẩm, thương hiệu Việt Nam.
Thứ tư, văn hóa là nền tảng để phát triển tinh thần dân tộc và xây dựng một xã hội bình đẳng, trong sáng, văn minh và hạnh phúc. Việc đầu tư vào giáo dục, khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển văn hóa Việt Nam cần ưu tiên đầu tư trước một bước.
Thứ năm, nhân dân là trung tâm của sức mạnh quốc gia. Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, nhất là tạo điều kiện cho người dân thực hành quyền dân chủ, quyền trực tiếp tham gia vào sự nghiệp kiến quốc là điều hết sức cần thiết để dân tộc ta tự tin hướng tới tương lai cùng Nhân loại.
+ Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
(*): Cụm từ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nguyễn Hường (Thực hiện)
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Vũ khí lớn nhất của chúng ta chính là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc
Sức mạnh nội sinh bắt nguồn từ những giá trị văn hóa dân tộc, được đúc kết, chưng cất qua hàng ngàn năm lịch sử, trở thành tài sản quan trọng của dân tộc ta.
Để hình thành nên sức mạnh nội sinh, đó là cả một quá trình đấu tranh, lựa chọn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa. Lấy lợi ích dân tộc làm trung tâm, đất nước ta đã tạo ra nhiều kỳ tích. Trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động”.
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển văn hóa cần phải tạo tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị, kinh tế. Chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chính là một trong những nhiệm vụ đột phá, thực hiện theo đúng xu thế và hoàn cảnh đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa, dựa vào tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, không chỉ đưa những giá trị văn hóa vào các sản phẩm kinh tế để tạo ra lợi thế cạnh tranh, lợi ích vật chất, mà còn kể những hình ảnh đẹp, câu chuyện hấp dẫn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, qua đó giúp chúng ta hình thành nên sức mạnh mềm, nội sinh của dân tộc.
Giai đoạn hiện nay, chúng ta đang ở trong một bối cảnh xã hội rất phức tạp. Những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, của các phương tiện truyền thông mới với internet và mạng xã hội, đã khiến sự phát triển văn hóa đang gặp những khó khăn hơn bao giờ hết. Nguyên tắc phát triển văn hóa cần tránh bảo thủ để lựa chọn được tinh hoa văn hóa thế giới, tránh lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm để hình thành nên một môi trường tích cực, văn minh, thuận lợi cho sự phát triển đất nước.
Dân tộc hóa là một trong ba nguyên tắc xây dựng văn hóa (Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa) được xác định trong vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943. Đây là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng trong việc hình thành nên một nền văn hóa độc lập, tạo điều kiện cho tự cường dân tộc, giải phóng đất nước. Nguyên tắc dân tộc hóa được hiểu là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”.
Sau 80 năm, nguyên tắc này vẫn còn nguyên giá trị và sự vận động của nguyên tắc dân tộc hóa có thêm những nội dung mới, tạo điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước. Dân tộc hóa chính là cách chúng ta huy động tình yêu nước thông qua nhận thức về những giá trị chung, nguồn gốc tổ tiên chung của dân tộc, từ đó hình thành nên sức mạnh của tình đoàn kết. Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh.
Kết quả, chúng ta đều chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Vũ khí lớn nhất của chúng ta không phải là khí tài quân sự hiện đại mà chính là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Mọi người đều thuộc và hiểu nội dung của những bài Nam Quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, hay Bình Ngô đại cáo, các câu ca dao, tục ngữ về lòng yêu nước, những câu chuyện gắn bó con người với Đất nước qua câu chuyện về Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…
Không phải ngẫu nhiên, năm 1954, trước khi về Thủ đô, Bác Hồ đến thăm Đền Hùng và để lại câu nói truyền cảm hứng và niềm tin cho toàn dân tộc: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi lãnh tụ chính là một kết quả tất yếu của tư tưởng dân tộc hóa.
Những bài hát với lời ca như “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Đảng đã cho ta cả mùa xuân của cuộc đời. Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai”… đã là niềm cảm hứng cho bao thế hệ thanh niên tình nguyện, vui vẻ ra trận; Những bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh như “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, “Đất nước nghiêng mình. Đời đời nhớ ơn. Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam”… đến nay vẫn là nguồn cổ vũ, động viên mọi người về tấm gương đạo đức, luôn đem lại biết bao xúc động trong lòng nhân dân cả nước. Đây chính là sức mạnh tinh thần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng đất nước về sau này, để văn hóa trở thành “cột mốc” chủ quyền của đất nước.
Đặt trong mối quan hệ với hai nguyên tắc còn lại là đại chúng hóa và khoa học hóa, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa của nguyên tắc dân tộc hóa. Một dân tộc mạnh phải dựa trên sức mạnh của quần chúng. Quan tâm đến quần chúng nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa trên sự phát triển của khoa học, giáo dục sẽ giúp dân tộc ta vững vàng và tự tin hơn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Khi đất nước hòa bình, văn hóa mang sứ mệnh mới trong việc xây dựng Tổ quốc độc lập, tự do, hạnh phúc…
Giá trị con người chính là nguồn lực nội sinh to lớn để phát triển đất nướcNhà văn Lê Hoài Nam nhìn nhận: Văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện bản sắc và đặc trưng của dân tộc. Trong đó, con người chính là sự kết tinh nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị Việt Nam. Con người Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, trách nhiệm, sự kiên trì, tinh thần cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, khát khao phát triển… Những phẩm chất này là tài sản vô giá của đất nước! Phát huy giá trị con người Việt Nam chính là nguồn lực nội sinh to lớn để phát triển, xây dựng tương lai tươi sáng cho Tổ quốc, cho dân tộc. |
Nguyễn Hường (Ghi)