Toàn cảnh Hội nghị
Đây là hội nghị quan trọng dành cho các đại biểu khu vực phía Nam, tiếp sau thành công của hội nghị dành cho đại biểu khu vực phía Bắc tổ chức tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá vào ngày 6.4.2023.
Tới dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lại Xuân Môn- Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh- Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Lợi- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương; Lê Hải Bình- Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Thanh Mai- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hoàng Vĩnh Bảo- Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành uỷ và một số ban, sở, ngành trực thuộc; đại biểu lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, chủ quản nhà xuất bản, lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh và 32 địa phương khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào)…
Tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày những nội dung cơ bản, cốt lõi trong 4 quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng, gồm: Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7.10.2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quy định số 99-QĐ/TW, ngày 27.2.2023 về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng; Quy định số 100-QĐ/TW, ngày 28.2.2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; Quy định số 101- QĐ/TW, ngày 28.2.2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí; xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2025) (khu vực phía Nam). Đây là những nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp, mật thiết đến công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hằng ngày của cấp uỷ, chính quyền, tổ chức, đoàn thể.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, việc ban hành 2 Quy định 100-QĐ/TW và 101-QĐ/TW về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản tiếp tục khẳng định và làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản; là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện chát đại” và “sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, lượng, hiện đại hoá” theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Theo đồng chí Lại Xuân Môn- Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, 4 quy định mới được quán triệt tại hội nghị là những văn bản rất quan trọng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc, vai trò trực tiếp, toàn diện của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tác động trực tiếp đến các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước. Nội dung các quy định thể hiện nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, cần được quán triệt, triển khai nghiêm túc, bài bản, thật sự đi vào cuộc sống, áp dụng thống nhất trong cấp uỷ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe dự thảo Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2025). Đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với báo giới cả nước. Với bề dày truyền thống vẻ vang – 100 năm đồng hành cùng dân tộc, cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; với sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, báo giới cả nước có quyền tự hào về truyền thống cách mạng, sứ mệnh nghề nghiệp cao cả và những đóng góp quan trọng đối với đất nước, với dân tộc. Nhìn lại 100 năm qua để đánh giá, tổng kết, để tự hào nhưng cũng là để cùng nhau xây dựng những chiến lược, kế hoạch, để báo chí cách mạng vững vàng bước sang giai đoạn phát triển mới; cổ vũ, động viên báo giới cả nước tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dâng hương tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Suối Mạch Máng (phường Tân Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) hôm 10.5. Ảnh: Báo Bình Dương
Sau khi lắng nghe các báo cáo viên truyền đạt nội dung các quy định và dự thảo Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các đại biểu đã trao đổi, tìm giải pháp để triển khai thực hiện thật tốt các quy định, hoàn thiện dự thảo Đề án nêu trên; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, đáp ứng thật tốt mục đích, yêu cầu đề ra.
Phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh yêu cầu phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định này trong thực tế với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác tuyên giáo. Trên cơ sở hội nghị ngày 11.5, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung quy định với nhiều hình thức phù hợp giúp cho các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hiểu rõ, vận dụng cho đúng các quy định. Cần xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các quy định trên; thông tin, báo cáo kết quả thực hiện quy định ở các cấp theo từng quý, từng năm; biểu dương, khen thưởng các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả; kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Ban Tuyên giáo Trung ương để có chủ trương chỉ đạo kịp thời, sát hợp tình hình thực tế.
Về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam. Do đó, cần phải xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách thật bài bản, trang trọng và giàu ý nghĩa; triển khai kế hoạch kỷ niệm với phương châm như Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hoá”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; thiết thực xây dựng nền báo chí truyền thông ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại như tinh thần văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đặng Hoàng Thái