Vi khuẩn có tên gọi Pseudomonas aeruginosa được tìm thấy trong loại nước mắt nhân tạo của Global Pharma Healthcare do EzriCare phân phối. Loại thuốc nhỏ mắt này đã được thu hồi vào đầu tháng 2.
Trong một báo cáo cập nhật mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xác định 68 trường hợp ở 16 tiểu bang nhiễm chủng vi khuẩn kháng thuốc hiếm gặp này. CDC cho biết những người bị nhiễm khuẩn đều báo cáo sử dụng các nhãn hiệu nước mắt nhân tạo khác nhau, trong đó phần lớn bệnh nhân sử dụng sản phẩm do EzriCare phân phối.
Các phản ứng có hại thuốc gây ra được báo cáo đến ngày 14-3 bao gồm nhiễm trùng giác mạc, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiết niệu. Có 8 trường hợp được báo cáo mất thị lực và 4 trường hợp khác phải phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu. Nghiêm trọng hơn, một trường hợp tử vong có liên quan đến sử dụng loại thuốc này.
Ngoài nước mắt nhân tạo, FDA cũng đề nghị Global Pharma thu hồi thuốc mỡ mắt nhân tạo do Delsam Pharma phân phối vì lo ngại nhiễm vi khuẩn và công ty này đã đồng ý.
Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) và CDC đã kêu gọi người tiêu dùng ngừng sử dụng các sản phẩm bị thu hồi. CDC khuyến cáo: “Những người đã sử dụng nước mắt nhân tạo của EzriCare hoặc Delsam Pharma và có dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng mắt nên đi khám ngay lập tức”. Các triệu chứng bao gồm chảy nước màu vàng, xanh lá cây hoặc trong suốt; đau mắt hoặc khó chịu; đỏ mắt hoặc mí mắt; cảm giác như có gì đó ở trong mắt; độ nhạy cảm ánh sáng tăng; và tầm nhìn mờ.
Global Pharma đã bắt đầu tự nguyện thu hồi các sản phẩm của mình vào tháng trước và FDA cũng đã khuyến nghị thu hồi do vi phạm sản xuất, bao gồm thiếu thử nghiệm vi sinh vật và đóng gói trong chai sử dụng nhiều lần mà không có chất bảo quản đầy đủ.
Mới đây, nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác cũng đã bị yêu cầu thu hồi, mặc dù chúng không liên quan đến các tác dụng phụ được báo cáo. Cụ thể, theo công bố của FDA vào ngày 3-3, Pharmedica USA đang thu hồi hai lô thuốc nhỏ mắt Purely Soothing 15% MSM Drops do không được vô trùng.
Tuy chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về tác dụng phụ hoặc bệnh tật liên quan đến sản phẩm, nhưng công ty này đã khuyến cáo người tiêu dùng ngừng sử dụng thuốc nhỏ mắt ngay lập tức và trả lại sản phẩm.
Trong khi đó, Apotex đang thu hồi sáu lô Brimonidine Tartrate Ophthalmic Solution 0,15%, thuốc nhỏ mắt theo toa được sử dụng để điều trị bệnh tăng nhãn áp cấp tính hoặc tăng nhãn áp. Công ty cho biết việc thu hồi là để đề phòng do các vết nứt trên một số nắp chai có thể ảnh hưởng đến khả năng vô trùng và dẫn đến các tác dụng phụ. Theo báo cáo của FDA, cho đến ngày 1-3, chưa có trường hợp nhiễm trùng nào được báo cáo liên quan đến sản phẩm này.
Cách sử dụng thuốc nhỏ mắt an toàn
Theo Tiến sĩ Thomas Steinemann của Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, thuốc nhỏ mắt an toàn khi chúng được sản xuất và sử dụng đúng cách. Steinemann lưu ý rằng việc thu hồi các sản phẩm vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc nhỏ mắt một cách an toàn.
Theo chuyên gia này, có hàng triệu người ở Mỹ sử dụng thuốc nhỏ mắt an toàn. Ông nói rằng, đối với những người sử dụng thuốc nhỏ mắt bình thường, sẽ có rất ít mối lo ngại và họ không nên ngừng sử dụng thuốc mắt hoặc thậm chí là các chế phẩm không cần đơn của bác sĩ.
Loại nước mắt nhân tạo EzriCare bị thu hồi vừa qua là loại không chứa chất bảo quản, nghĩa là chúng không có thành phần ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Vì vậy, Steinemann khuyến cáo bệnh nhân nên thận trọng với các loại thuốc nhỏ mắt không chứa chất bảo quản, như nước mắt nhân tạo EzriCare, bởi khi chúng bị nhiễm bẩn trong quá trình sử dụng hay sản xuất có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.
“Khi lọ bị bẩn hoặc vi khuẩn xâm nhập, thì rõ ràng đó là nguồn để vi khuẩn sinh sôi và truyền sang mắt. Hầu hết các loại thuốc nhỏ mắt trên thị trường đều có chất bảo quản để chống lại mối đe dọa đó”. Ông Steinemann nói thêm rằng, để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào mắt, người dùng cần phải rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào lọ hoặc mắt, tránh chạm đầu chai vào lông mi và da, và không sử dụng thuốc nhỏ mắt đã hết hạn.
TRẦN HOÀI (Theo CNN)