Bà Hoàng Thị Vịnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bình Liêu cho biết: Là huyện miền núi, biên giới đặc biệt nhất cả nước với khoảng 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, Bình Liêu luôn nhận được nhiều sự quan tâm rất lớn của trung ương, của tỉnh thông qua các cơ chế chính sách về đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; an sinh, phúc lợi xã hội; việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế…. Đặc biệt, hệ thống giao thông kết nối 104 thôn, bản của huyện được hoàn thành đã trở thành sợi dây kết nối thúc đẩy sự phát triển địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn, tạo động lực để nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu; xây dựng diện mạo các vùng nông thôn, miền núi biên giới của huyện ngày càng khang trang, hiện đại; củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền… Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, Bình Liêu vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Chất lượng y tế, giáo dục còn hạn chế. Đặc biệt là trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ ở cơ sở chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ…
Xác định rõ đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, thời gian qua, bám sát các nội dung của Nghị quyết 06-NQ/TU, Huyện ủy Bình Liêu đã rà soát, xây dựng Chương trình hành động với những mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, huyện phấn đấu đến hết năm 2022, không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới; đến năm 2023, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 20% xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người gấp 2 lần so năm 2020; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, khó khăn… Đến năm 2030, có hệ thống kết cấu kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 100% thôn, khu phố duy trì, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân…
Trên cơ sở mục tiêu cụ thể đã đặt ra, Huyện ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lựa chọn 3 khâu đột phá thực hiện nghị quyết, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Trong đó, xác định rõ 3 khâu đột phá gồm: Từng bước phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ vùng nông thôn, đồng bào DTTS; đẩy mạnh phát triển giáo dục – đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện thời gian tới và đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát huy những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đường biên giới, truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng…
Căn cứ Chương trình hành động, UBND huyện chủ động xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đề án, chương trình phát triển phát kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh. Huyện xác định phát triển giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới… Trong quá trình triển khai, huyện Bình Liêu chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn để tạo sự đồng thuận và tham gia thực hiện các mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 06 đã tạo động lực to lớn góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giảm nghèo bền vững. Tính đến hết năm 2022, huyện còn 154 hộ nghèo, cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm. Huyện phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/người. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu không còn hộ nào có nhà ở tạm, dột nát, 11 thôn trên địa bàn huyện đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đặc biệt 100% hộ dân hiện đang được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và được sử dụng điện đảm bảo an toàn, chất lượng.
Về phát triển sản xuất, Bình Liêu đã hoàn thiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt đối với các dự án: Chăn nuôi gia súc (trâu, bò), trồng cây dược liệu, trồng hoa chất lượng cao, đầu tư cơ sở chế biến tinh dầu hồi, sở và chế biến gỗ rừng trồng. Riêng về lĩnh vực giáo dục, 100% các xã, thị trấn huyện Bình Liêu đến nay đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3…
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết 06 đã đề ra. Qua đó, góp phần không ngừng xây dựng địa phương ngày càng phát triển vững chắc về mọi mặt.