Cuộc làm việc nằm trong chương trình lãnh đạo Chính phủ làm việc với 63 tỉnh, thành phố để rà soát tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ; tình hình sản xuất, kinh doanh; việc triển khai đầu tư công; xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.
Dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn chung, tình hình sản xuất – kinh doanh trên địa bàn thành phố Cần Thơ quý I-2023 đạt được những kết quả tích cực. GRDP tăng 4,02% so cùng kỳ, cao hơn trung bình chung cả nước; chỉ số IIP tăng khoảng 4,81% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,42%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,1% so cùng kỳ. Cần Thơ giải ngân đầu tư công ước đạt 23,6% kế hoạch, cao hơn trung bình chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 31,76% dự toán Trung ương giao; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện gần 732,5 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, thành phố tích cực chủ trì, phối hợp triển khai các dự án trọng điểm, tăng cường kết nối nội vùng và liên vùng như: Tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ… Công tác bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Thông tin, truyền thông được tăng cường.
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay tình hình phát triển kinh tế tại Cần Thơ xuất hiện một số khó khăn, hạn chế như: Nhiều sản phẩm xuất khẩu giảm so với cùng kỳ; một số doanh nghiệp chưa ký kết được hợp đồng mới; nguồn nguyên liệu cho chế biến giảm, do người dân giảm hoặc chuyển đổi cây trồng do giá cả không ổn định…
Thành phố Cần Thơ cũng phản ánh một số khó khăn, vướng mắc đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, giải quyết liên quan quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư công; thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng; tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng; khó khăn trong sử dụng nguồn vốn vay tại một số dự án như Chuỗi dự án điện – khí Lô B, Bệnh viện Ung bướu; thực hiện các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, phí, lệ phí vẫn chậm; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án liên quan đất quốc phòng, an ninh chậm…
Lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Cần Thơ thời gian qua; giải đáp các kiến nghị, đề xuất của thành phố Cần Thơ, nhằm khơi thông vướng mắc để thành phố phát triển.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Cần Thơ, góp phần tích cực, hiệu quả cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố Cần Thơ tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình; bình tĩnh, chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để xử lý các nhiệm vụ thường xuyên, những việc đột xuất, những vấn đề tồn đọng; triển khai quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết của Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian gần đây.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đang kiểm soát lạm phát, do đó ưu tiên cho tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, giảm chi phí hành chính các chi tiêu không cần thiết tiếp tục giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Thành phố Cần Thơ phải chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, trên tinh thần “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền; xử lý quyết liệt các vướng mắc về đất đai, nhà ở, môi trường, giải phóng mặt bằng… thuộc thầm quyền; khẩn trương hoàn thiện lập quy hoạch thành phố, trong đó cập nhật về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào quy hoạch thành phố; sử dụng hiệu quả gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thủ tướng lưu ý Cần Thơ phải đẩy mạnh hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kích cầu đầu tư, tiêu dùng, đẩy mạnh phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; tập trung hiệu quả cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư, trong đó tăng cường hợp tác công tư trong thực hiện các dự án đầu tư.
“Cần Thơ phải phân công nhiệm vụ cho từng lãnh đạo thành phố chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc đối với từng dự án; đồng thời xem xét những cơ chế, chính sách nào không vướng quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật thì cho thí điểm thực hiện, mở rộng dần”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thành phố thực hiện các thủ tục và tháo gỡ các vướng mắc liên quan đầu tư. Bộ Công Thương phối hợp các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long thúc đẩy mở rộng các thị trường xuất khẩu; sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu và quy định về quản lý chợ trong quý III-2023. Bộ Xây dựng phối hợp, hướng dẫn thành phố Cần Thơ xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến bất động sản. Bộ Tài chính sửa đổi các quy định liên quan vốn ODA, để xử lý các vướng mắc, trong đó có các vướng mắc tại các dự án ở Cần Thơ. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với bộ, ngành liên quan sửa quy định về quản lý tài sản công, trong đó có vấn đề sử dụng, chuyển đổi đất quốc phòng, an ninh.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hầu hết đã và đang được xử lý, giải quyết; những vấn đề chưa có phương án xử lý, Thủ tướng giao cụ thể các bộ, ngành và thành phố phối hợp, hướng dẫn thực hiện ngay, trên nguyên tắc vấn đề pháp luật không cấm thì cho phép vận dụng sáng tạo để thực hiện.
Trong đó, về dự án đầu tư hoàn thiện luồng cửa Định An trên sông Hậu, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Cần Thơ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư, nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải nhằm khơi thông tuyến giao thông thủy, khai thác tối đa năng lực cảng Cái Cui, phục vụ vận tải hàng hóa cho thành phố Cần Thơ và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về Chuỗi dự án điện – khí Lô B, lãnh đạo Chính phủ đã có các buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, có phương án thực hiện; yêu cầu Bộ Công Thương đôn đốc, chỉ đạo thực hiện.
Đối với Trung tâm liên kết, sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long quy mô 450 ha tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông dự thảo, trình Chính phủ ban hành nghị quyết.
Về Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, quy mô 500 giường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đàm phán với nước bạn Hungary để thống nhất hoặc gia hạn hiệp định tài trợ hoặc ký lại hiệp định để tiếp tục triển khai dự án.
Thủ tướng Chính phủ giao các Phó Thủ tướng chỉ đạo các lĩnh vực cụ thể; Văn phòng Chính phủ phải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mà Thủ tướng đã giao tại cuộc làm việc này.