Với họ, điều đáng làm nhất giờ đây là làm thế nào có thể vơi bớt đi những nỗi đau, mất mát, hàn gắn lại những vết thương chưa lành của chiến tranh, để hướng tới những điều tốt đẹp nhất giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Mỹ.
Nhẹ lòng, khi trở lại
“Tôi nhẹ lòng, hạnh phúc vì thấy người Việt Nam đang được sống trong hòa bình. Đất nước các bạn, so với thời chiến tranh, thực sự mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng”, Peter Mathews – người cựu binh Mỹ, từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, nay đã ngoài 70 tuổi, đã chia sẻ trong rơm rớm nước mắt như thế ngay sau khi tới Việt Nam, đặt chân tới TP.HCM tháng 2/2023 lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ chiến tranh kết thúc.
Nhẹ lòng, còn bởi sự thân thiện mà người dân Việt Nam dành cho ông khi ông trở lại nơi 60 năm trước ông từng tới tham chiến. Hơn nửa thế kỷ trước, khi trở về từ cuộc chiến, Peter Mathews cho biết ông từng phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý suốt một thời gian dài, từng phải uống rượu để cố quên đi những ký ức không mấy tốt đẹp của chiến tranh.
Và nhẹ lòng nhất, với Peter Mathews còn là bởi chuyến đi này giúp ông trả lại cuốn nhật ký mà ông đã giữ bên mình suốt 56 năm. Peter Mathews cho biết ông đã tìm thấy một cuốn sổ tay nhỏ trong một chiếc ba-lô của chiến sĩ bộ đội Việt Nam khi tham gia chiến dịch ở Đắc Tô, Kon Tum năm 1967. Thông tin này sau đó được truyền thông Việt Nam và các trang mạng xã hội dẫn nguồn chia sẻ với hy vọng kỷ vật về lại cố nhân.
Điều may mắn là trong cuốn nhật ký có ghi khá đầy đủ những thông tin. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xác minh thông tin và sau đó đã xác nhận được cuốn sổ là của liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng (xã Kỳ Xuân, H. Kỳ Anh). Nhờ vậy, tháng 2/2023, người cựu binh Mỹ có cơ hội trở lại Việt Nam.
“Tôi từng cảm thấy dằn vặt vì đã giữ cuốn nhật ký trong thời gian lâu như vậy. Tôi hiểu điều đó không công bằng với cha mẹ và gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất – những người luôn muốn nhận lại kỷ vật từ người thân của mình” – Peter Mathews giãi bày.
Đưa cuốn nhật ký trở lại được với những người thân của chủ nhân, Peter Mathews chia sẻ với báo chí Việt Nam rằng: “Một phần trong tôi cảm thấy nhẹ nhõm”. Và rằng, “sau chuyến đi này, tôi nghĩ mình đã có thể trở về nhà, đóng cánh cửa, khép lại quá khứ và bắt đầu nói về những điều tốt đẹp ở đất nước này, thay vì chiến tranh”.
Mong muốn hợp tác, giúp đỡ người dân Việt Nam nhiều hơn
Đó là tâm niệm mà cựu binh người Mỹ John Terzano đã nhiều lần chia sẻ khi trở lại đất nước hình chữ S. Với báo giới Việt Nam, John Terzano từ lâu đã là cái tên quen thuộc bởi cựu chiến binh hải quân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam từ 1970 đến 1974 này là một trong những cựu binh Mỹ đi đầu trong nỗ lực vận động để bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ cách đây mấy thập kỷ.
John Terzano cùng với John Kerry và Bobby Muller còn là những thành viên tích cực của tổ chức “Cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam” (Vietnam Veterans agains the War (VVAW), đồng sáng lập tổ chức “Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam” (VVA-1978) và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF-năm 1982). “Người bạn thân thiết Bobby Muller và tôi đã làm việc hết mình ở thành phố Washington DC, yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có chính sách, sự hỗ trợ đối với các cựu binh, đồng đội cũ của chúng tôi cũng như với những người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam” – John Terzano kể lại.
Mới đây, hồi tháng 1/2023, John Terzano đã là một thành viên trong đoàn gồm 26 đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tới Việt Nam nhân dịp tham gia các hoạt động kỷ niệm 50 năm ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Với John Terzano, với Việt Nam, đó không chỉ là sự “tử tế, tốt bụng và sự mở lòng” mà ông từng cảm nhận rất rõ khi tới mảnh đất này mà còn là sự khâm phục về bản lĩnh, khí phách. Ông John Terzano chia sẻ, ông cùng các cựu binh Mỹ đã nhận ra cuộc chiến tranh năm xưa đã không thể làm tổn hại đến trái tim và khối óc của người Việt Nam. Đất nước Việt Nam vẫn tiếp tục tiến lên với năng lực và khả năng tự có. Và sau chuyến thăm tới đất nước hình chữ S, những cựu binh như ông trở về với tâm thế mong muốn hợp tác, giúp đỡ người dân Việt Nam nhiều hơn.
Chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh
“Vụ thảm sát ở Sơn Mỹ là một tội ác. Tôi tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam là một sai lầm, một tội ác và tội ác ấy đã góp phần gây ra nhiều đau khổ, tang thương và chết chóc cho nhân dân Việt Nam. Trở về Mỹ và nghĩ về những gì mình đã làm, tôi không thể nào xóa được ký ức. Điều quan trọng là tôi hướng đến tương lai, hòa bình để chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam”, đó là trải lòng trong nghẹn ngào xúc động của Mike Boehm – cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam.
Năm 1969 sau khi trở về Mỹ, tâm trí của Roy Mike Boehm vẫn luôn ám ảnh về sự tàn khốc của chiến tranh, đặc biệt là vụ thảm sát ở thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cho dù ông không tham gia.
Cũng bởi sự day dứt ám ảnh ấy, suốt 30 năm qua, Mike Boehm đã là người gắn bó, đồng hành và giúp đỡ phụ nữ Sơn Mỹ và tỉnh Quảng Ngãi, thân thuộc tới mức người dân nơi đây gọi ông là “Ông Mai phụ nữ”. 30 năm qua, ông cùng Tổ chức Madison Quakers, Inc đã phối hợp Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế, an sinh xã hội hướng về phụ nữ, trẻ em nghèo trong tỉnh.
Các hoạt động như vay vốn ưu đãi, xây mái ấm tình thương, tặng xe đạp, học bổng, nước sạch với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng. Qua đó, nhiều gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. “Hy vọng những việc làm nhỏ bé của tôi góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở Việt Nam” – cựu chiến binh Mỹ bộc bạch.
Đặc biệt là từ năm 1992, lần đầu tiên trở lại Sơn Mỹ và đều đặn mỗi năm sau đó ông đều có mặt tại Lễ tưởng niệm ngày 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát. Năm nào cũng vậy, người cựu binh Mỹ này thường áo dài, đội khăn đóng truyền thống của Việt Nam, đến Sơn Mỹ để kéo một khúc vĩ cầm tưởng nhớ những nạn nhân của vụ thảm sát, bản nhạc có tên “Ashokan Farewell” (Vĩnh biệt Ashokan).
“Mỗi lần khi đến đây, tôi thấy rất buồn nên tôi thường kéo vĩ cầm để tưởng nhớ quá khứ và mong muốn điều tốt đẹp ở tương lai” – ông Mike Boehm chia sẻ. Quan niệm “trở lại Việt Nam như được về nhà”, với tiếng vĩ cầm, với những nỗ lực chia sẻ của mình, điều mong muốn lớn nhất của người cựu binh là hàn gắn phần nào vết thương chiến tranh mà đất nước ông đã gây ra cho Việt Nam; đồng thời gửi gắm thông điệp kêu gọi mọi người trên thế giới hãy sống nhân ái, hòa bình.“Tất cả quá khứ đều liên kết với tương lai nhưng chúng ta tốt nhất nên để quá khứ sang một bên và cùng nhau hướng tới tương lai. Tôi nhận thấy người Việt Nam mạnh mẽ hơn tôi nghĩ nhiều” – ông Mike Boehm nói.
Thư Hà