Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM và lãnh đạo các ban HĐND TPHCM…
Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu chủ trì chương trình.
Đưa ý kiến tại chương trình, cử tri Lâm Dụ Cường (Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet) đề nghị chính quyền TPHCM đánh giá thuận lợi và khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Ông cho rằng hiện nay, đường truyền mạng, đường truyền dữ liệu thỉnh thoảng không truy cập được, đang thao thác bị lỗi bắt buộc làm lại từ đầu, biện pháp khắc phục của TPHCM như thế nào?
Cử tri Hoàng Đức Long (phường 6, quận 5) đề nghị UBND TP cho biết đánh giá việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đặc biệt những nội dung còn tồn tại gây bức xúc đối với người dân. Ông đề nghị TPHCM có giải pháp tin học hoá việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính của công dân.
Còn ông Bùi Hữu Huy Hoàng, Chủ tịch UBND phường 13, quận 3 đặt vấn đề hiện nay, UBND và công an các cấp vận động người dân thực hiện tài khoản định danh mức độ 2. Khi người dân đi đâu chỉ cần sử dụng điện thoại có phần mềm VNeID thì đều được chấp nhận. Tuy nhiên, hiện nay người dân phản ánh dù có tải khoản định danh và phần mềm VNeID nhưng khi đến các một số nơi thì vẫn yêu cầu cung cấp các giấy tờ bản chính.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và các đại biểu HĐND TPHCM tham dự chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tích cực khắc phục hạn chế về kỹ thuật và con người trong chuyển đổi số
Trả lời ý kiến cử tri, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết thời gian qua, lãnh đạo TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Chỉ trong vòng 5 tháng, hệ thống này đã được hoàn thành. Người dân chỉ cần khai thông tin một lần, toàn bộ quá trình làm thủ tục đều được thực hiện trực tuyến, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người dân, các cơ quan giám sát cũng có thể theo dõi quá trình xử lý thủ tục hành chính, tránh tình trạng nhũng nhiễu.
Qua hệ thống này, TPHCM sẽ tổ chức lại hệ thống tập trung công nghệ thông tin của TPHCM, tái cấu trúc thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính vẫn còn gặp khó khăn về kỹ thuật và con người.
“Để chuyển hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số thì phải có cán bộ công chức số, đội ngũ kỹ thuật và công dân số. Quá trình này phải có thời gian vừa chuyển đổi vừa huấn luyện”, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng thông tin.
Về lỗi ứng dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, Giám đốc Sở TT-TT nhìn nhận qua rà soát có 4 nguyên nhân: Do phần mềm, do quá trình kết nối thông tin giữa TPHCM và các bộ ngành, do đường truyền và thiết bị, do người sử dụng.
Theo đó, Sở TT-TT đã xây dựng hệ thống tổng đài ghi nhận phản ánh của người dân. Từ tháng 10-2022 đến tháng 5-2023, Sở TT-TT ghi nhận 7.000 cuộc, xử lý ngay. Sở cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện phần mềm hệ thống, làm việc với các bộ ngành để kết nối các dữ liệu.
Cũng theo ông Lâm Đình Thắng, Bộ TT-TT đang quyết liệt khắc phục sự cố về cáp quang biển, đầu tư xây mới hệ thống cáp quang biển trong thời gian tới.
Về phía Công an TPHCM, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06) Công an TPHCM Hồ Thị Lãnh, cho biết TPHCM được Tổ Công tác Đề án 06 ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong việc thực hiện, triển khai đề án. Tuy nhiên, một số người dân có phản ánh hạ tầng đường truyền còn hạn chế, nhất là trong các khung giờ cao điểm. Một số dữ liệu công dân chưa được chính xác làm ảnh hưởng đến việc giao dịch và giải quyết các thủ tục hành chính của người dân.
Theo Phó Trưởng phòng PC06 thời gian tới, Công an TPHCM sẽ tham mưu Ban chỉ đạo Đề án 06 thành phố đề ra đưa các giải pháp nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, cải tiến giao diện. Đồng thời, Công an TPHCM tiếp tục chỉ đạo lực lượng khẩn trương làm sạch dữ liệu công dân, tiếp tục phát huy đường dây nóng 0693.187.111 để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh của người dân về cư trú, CCCD, VNIeD.
Công an TPHCM cũng khuyến nghị công dân chủ động kiểm tra thông tin trên cổng dịch vụ công quốc gia, liên hệ công an nơi đăng ký thường trú hỗ trợ cập nhật nhật chỉnh sửa thông tin nếu có sai sót.
Chuyển đổi số luôn là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM
Lãnh đạo UBND TPHCM và các sở ngành trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, cho biết TPHCM coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặt mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Năm 2021, TPHCM chi 0,78% ngân sách cho chuyển đổi số thì con số này năm 2022 là 0,97% và dự kiến năm 2023 là hơn 1%.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM đang tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số đồng bộ. Trong đó, UBND TPHCM giao Sở TT-TT TPHCM tham mưu, triển khai các ứng dụng, dịch vụ chuyển đổi số cốt lõi để triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống của thành phố. TPHCM cũng tập trung xây dựng và khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.
Liên quan đến đề nghị của cử tri về xây dựng ứng dụng thông tin giải quyết khiếu nại của người dân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết UBND TPHCM đã chỉ đạo Văn phòng UBND TPHCM có kế hoạch xây dựng phần mềm này, hoàn thành trong năm 2023. Phần mềm nhằm giải quyết các khiếu nại của người dân một cách tháo đáo, minh bạch, kịp thời.
Thông tin về các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TT-TT xây dựng kế hoạch hình thành trung tâm chuyển đổi số của TPHCM. Sở này có vai trò cầu nối kết, giới thiệu đến các doanh nghiệp nhu cầu chuyển đổi số của TPHCM. TPHCM không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào chất lượng của giải pháp. Do đó, đồng chí Dương Anh Đức đề nghị các doanh nghiệp mạnh dạn giới thiệu các giải pháp hiệu quả về chuyển đổi số đến UBND TPHCM.
Ngoài ra, đồng chí Dương Anh Đức cũng cho biết TPHCM là địa phương duy nhất có chương trình kích cầu đầu tư. Sắp tới, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thì chương trình này sẽ được mở rộng. Từ đó, UBND TPHCM sẽ đưa vào loại hình doanh nghiệp được hưởng chính sách như doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Theo đó, đồng chí Dương Anh Đức đề nghị cơ quan chức năng giới thiệu đến các doanh nghiệp có những giải pháp chuyển đổi số hiệu quả các chính sách ưu đãi của TPHCM. Đồng thời, TPHCM luôn mong muốn hấp thu các nguồn lực xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các dịch vụ chuyển đổi số, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Về công tác đào tạo nguồn lực chuyển đổi số, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết đây là nhiệm vụ TPHCM triển khai ngay từ đầu trong tiến trình thực hiện chính quyền số. Năm 2022, TPHCM đã đào tạo trên 1.000 cán bộ phục vụ chuyển đổi số. Ngoài ra, Bộ TT-TT đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho cán bộ cấp xã về chuyển đổi số. TPHCM đã giới thiệu hơn 500 cán bộ xã, phường, thị trấn tham gia chương trình. Sắp tới, các sở ngành thành phố sẽ tiếp tục có các chương trình đào tạo cán bộ chuyển đổi số cho các địa phương.
Qua ý kiến các cử tri và lãnh đạo chính quyền TPHCM, Phó Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu đề nghị UBND TPHCM, các sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu theo chương trình chuyển đổi số đã đề ra.
Trong đó, ĐB Lê Trương Hải Hiếu đề nghị chính quyền TPHCM sớm hoàn chỉnh hệ thống dữ liệu thành phố, liên thông dữ liệu thành phố giữa các ngành và dữ liệu dân cư dưới dạng trục dữ liệu, đảm bảo an toàn dữ liệu của công dân. Đồng thời, ĐB Lê Trương Hải Hiếu đề UBND TPHCM đầu tư các phần mềm, ứng dụng, thiết bị phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, nghiên cứu sớm đưa máy vi tính ra khỏi danh mục mua sắm tập trung. Nghiên cứu lại chi phí phát sinh, giảm thời gian đi lại của khi người dân thực hiện các dịch vụ chuyển đổi số…
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng:
Năm 2019, Sở Y tế đã tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử tại TPHCM giai đoạn 2019-2025, với mục tiêu tạo lập dữ. Hồ sơ sức khoẻ điện tử không chỉ cho phép người dân tự quản lý và cập nhật thông tin về sức khỏe của mình và còn giúp các cơ sở y tế truy cập, chia sẻ thông tin, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Ngành y tế đang phối hợp Sở TT-TT xây dựng phương án kỹ thuật nhằm đảm bảo dữ liệu sức khỏe của người dân “đúng – đủ – sạch – sống”. Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành phố là một trong những hoạt động trọng tâm trong chuyển đổi số của ngành Y tế trong năm 2023.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam:
Năm 2023, Sở GD-ĐT đã triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp kết hợp với sử dụng mã định danh nhằm tăng cường sự tiện lợi cho phụ huynh trong việc đăng ký tuyển sinh ở các lớp mầm non, lớp 1 và lớp 6.
Người dân chỉ cần sử dụng mã định danh để đăng ký trực tuyến tuyển sinh ngay tại nhà. Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp triển khai bản đồ GIS trong công tác tuyển sinh giúp việc phân bổ học sinh vào các trường trên địa bàn phù hợp hơn.
Phó Giám đốc Sở GT-VT TPHCM Bùi Hòa An:
Dự kiến tuyến metro số 1 sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới. Sở GTVT TPHCM đã đưa giải pháp thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông công cộng nhằm giúp người dân chỉ sử dụng 1 thẻ có thể thanh toán các loại hình vận tải hành khách công cộng.
Hiện nay Sở GTVT đã triển khai thanh toán điện tử trên 23 tuyến xe buýt. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Sở GTVT đã trình UBND xem xét, thông qua khung tiêu chuẩn kỹ thuật về thanh toán điện tử trong vận tải hành khách công cộng nhằm kết nối, liên thông với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác như buýt, Metro, BRT, buýt sông…