Những địa danh Tầm Long hay Bến Sỏi khá nổi bật trong lòng người Tây Ninh. Vì vậy, có người đã hiểu lầm là bến Tầm Long nằm trên con đường thiên lý phía Tây dưới thời vua Gia Long, mà trước đây nó từng là con đường sứ.
Kết quả của nhiều nghiên cứu trong các sách: “Tây Ninh Đất và Người”, “Sài Gòn Đất và Người” cho thấy là không phải vậy. Vì tuyến đường này, nay là ĐT.782, ĐT.784, ĐT.781 và ĐT.788 đều không qua bến Tầm Long. Nhưng dù không phải, thì rõ ràng Tầm Long đã từng là một bến sông của một vùng dân cư trù phú, đông vui “trên bến, dưới thuyền”.
Nữ sĩ Phan Phụng Văn từng có nhiều bài thơ viết về bến Tầm Long. Một trong đó có những câu: “Quê tôi đấy Tây Ninh miền biên giới/ Nẻo thông thương Bến Sỏi nối Tầm Long/ Êm êm nước chảy xuôi dòng/ Trầm buồn bằng một con sông lặng lờ/ Những chiều thu lạnh trong mơ/ Tầm Long ủ rũ nhạt mờ hơi sương…” (Tây Ninh xưa – Huỳnh Minh, Nxb Thanh niên tái bản năm 2001).
Đấy là thơ. Thế còn lịch sử? Ta đã biết làng Trí Bình được tái lập vào đầu năm 1919, sau khi tách ra từ Hảo Đước. Và có lẽ, các hương chức làng không chỉ xây dựng ngôi đình như để khẳng định vị thế của làng; mà còn xây dựng một con đường nối từ liên tỉnh lộ 13 ra tới bến Tầm Long.
Tức là đường chạy xuyên qua vùng dân cư tập trung nhất của làng, nay chính là trục trung tâm của thị trấn Châu Thành. Bởi thế, trong Nghị định xếp loại đường làng (hương lộ) tỉnh Tây Ninh của Thống đốc Nam kỳ vào ngày 8.3.1919 đã thấy có tên con đường này, gọi là đường số 6 Tầm Long, dài 2,580km.
Đến ngày 27.12.1929, lại có nghị định mới thay cho Nghị định 1919. Theo đó, trong tổng số 17 con đường làng thuộc tỉnh Tây Ninh có: “Đường số 6 từ đường liên tỉnh số 13 ở km 41,400 Thái Bình đến sông Vàm Cỏ Đông, Tầm Long, dài 2,880km” (đã dài hơn đường cũ 300m). Đấy là minh chứng thứ hai cho quan điểm Tầm Long từng là điểm dân cư trù phú.
Cúng miếu Bà Xóm Ruộng (16.3 âm lịch)
Ta có thể thêm một chứng cứ thứ ba. Đấy là ngôi nhà cổ rất đẹp trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, thành phố Tây Ninh (xưa là công trường Duy Tân) cũng là một kiến trúc được di dời về từ bến Tầm Long, khi vùng này trở nên “mất an ninh” dưới thời thuộc Pháp.
Đã hơn 250 năm kể từ khi những đội “Mộc đĩnh” đầu tiên được chúa Nguyễn cử lên khai thác gỗ rừng Quang Hoá. Và có lẽ chính họ đã là những cư dân đầu tiên trên vùng đất ven bờ Tầm Long- Bến Sỏi. Hoàn thành nhiệm vụ, họ ở lại cùng dân cư bản địa tiếp tục thuần hoá những dải đất ruộng, đất giồng để thành ruộng lúa, rẫy mì, khoai.
Sau nhiều năm “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, dòng sông đã đồng hành cùng nông dân, vun bồi phù sa cho các cánh đồng đôi bờ Vàm Cỏ. Từ khoảng tháng 9 âm lịch nước lên cho đến tháng 12 là tràn bờ, mang theo nồng mặn vị phù sa, bảo dưỡng cho cánh đồng không bao giờ bị kiệt sức hoặc trở lại là hoang hoá. Dù là công sức nông dân bỏ ra, nhưng họ cũng không bao giờ quên công ơn của thiên nhiên, mà đại biểu lớn nhất là ở đây là Bà Chúa Xứ- bà Chúa của ruộng đồng theo quan niệm tín ngưỡng của người dân Nam bộ. Vậy nên các ngôi miếu Bà được xây nên ngay ở thềm sông, quanh năm thơm ngát mùi nhang trầm cùng hoa tươi và trái ngọt.
Trên phía thượng lưu sông thuộc ấp Xóm Mới đã có một ngôi miếu Bà nho nhỏ đặt trên một gốc cây cổ thụ nghiêng ra phía bờ sông. Thì ở mé hạ lưu bến Tầm Long, thuộc về ấp Bắc Bến Sỏi cũng có một ngôi miếu thờ Bà rộng rãi khang trang, với mái ngói đỏ vươn cao soi bóng nước. Nhưng, ngôi miếu vừa bề thế, vừa có lịch sử lâu đời nhất chính là miếu Bà ở ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình phía hạ lưu, cách bến Tầm Long chưa đầy 1km.
Tháng 3 âm lịch. Lại nhớ lễ hội cúng miếu vào những năm trước dịch Covid- 19. Miếu cúng Bà vào hai ngày 15 và 16 tháng 3. Ngày rằm cúng chay, ngày sau cúng mặn. Không gian ngôi miếu nhỏ bên sông bỗng trở nên rực rỡ tưng bừng. Người đến cúng không chỉ có dân Xóm Ruộng.
Các bàn kê ở võ ca hay trên các ban thờ, các miễu nhỏ đều rực rỡ các màu hoa, trái cúng. Lại còn có những bàn bày đỏ óng heo quay nguyên con, hay gà luộc vàng ươm. Rồi mâm xôi gấc đỏ, đĩa trái xoài vàng, mâm bánh ít đầy tú ụ bên những trái dưa xanh bóng.
Còn thêm màu ngũ sắc rực rỡ từ những mâm vàng, mâm bạc sẽ được dâng lên trong màn múa bóng rỗi dân gian truyền thống. Tất cả như đều sáng bừng lên trong lấp lánh đèn nến, dưới mái ngói sạm nâu gian thờ chính, gợi nhớ về những năm tháng đã đi qua.
Ngôi miếu này, theo một vị cán bộ Mặt trận xã cách đây khoảng 15 năm là được xây dựng vào thập niên 80 của thế kỷ 19. Tới hồi kháng chiến chống Pháp, vùng Xóm Ruộng trở thành căn cứ cách mạng nên thường xuyên bị quân Pháp càn quét. Miếu xưa bằng cột gỗ đặt trên các tán đá và lợp ngói đã bị giặc đốt phá tan hoang.
Đến năm 1956-1958, miếu được bà con góp công và của dựng lại trên nền xưa đổ nát. Dĩ nhiên cũng chỉ cột cây, ván tấp sơ sài. Sau hoà bình 1975, đến năm 1996, bà con được phép của chính quyền xã cho dỡ ra xây lại, khang trang như đã thấy ngày nay. Với miếu chính tường xây, mái ngói ta. Với ngôi võ ca rộng dài thênh thang phía trước.
Rồi người dân tiếp tục đóng góp thêm cho miếu ngày càng khang trang, đẹp mắt. Ngoài có cổng xây, đắp nổi hai hàng chữ to: Cổ miếu Bà Chúa xứ. Bên trong giờ có thêm đài tượng Quán Thế Âm Bồ tát ngay trên một hồ sen nằm giáp sông Vàm Cỏ.
Đấy là mô hình: Tiền Phật hậu thánh mà nhiều ngôi miếu Bà đã và đang có. Những ngôi miễu nhỏ, được “phối thờ” trong khu miếu Bà cũng được tu sửa, sơn phết đẹp hơn xưa. Đấy là các ngôi thờ: Thần nông, Thổ địa, Thổ thần, ông Tà, chiến sĩ.
Đôi khi trong các câu chuyện kể của người già, còn nghe thấy một câu ca. Là: “Bà đi Châu Đốc, Nam Vang/ Bà về Xóm Ruộng Sáu Xang dí bà” (tên người đã được thay đổi). Đấy là chuyện của những năm đầu, sau giải phóng, rộ lên phong trào bài trừ mê tín dị đoan. Do vậy mà một số chi tiết của lễ hội cúng miếu đã bị cấm, trong đó có múa bóng rỗi mâm vàng và thả thuyền tống ôn.
Nay thì bóng rỗi mâm vàng đã trở lại, với hàng vài chục mâm vàng mâm bạc được dâng lên trong những vũ điệu và lời ca thật tuyệt vời. Chẳng thế mà lễ hội thờ Mẫu của người Việt, trong đó có phần hát văn, bóng rỗi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Còn tục lệ thả thuyền tống ôn, tống dịch với ý nghĩa tống tiễn các loại quan ôn, dịch bệnh gây hại cho mùa màng, gia súc gia cầm và cả cho con người và cầu mong “Mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an” bao giờ mới trở lại đây? Cho tròn vẹn hơn một sắc màu văn hoá dân gian đã có từ xưa.
TRẦN VŨ