Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) là phim Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách rút gọn (Top 15) hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc của giải Oscar 2023. Tác phẩm cũng giành hơn ba mươi giải thưởng và đề cử ở các Liên hoan phim quốc tế, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc tại IDFA (Amsterdam International Documentary Film Festival) – Liên hoan phim tài liệu quan trọng hàng đầu của thế giới.
Hà Lệ Diễm thực hiện phim tài liệu theo phong cách Varan – phong cách điện ảnh trực tiếp, hạn chế tối đa các lời bình. Ảnh: D.A |
Hành trình đi tìm tuổi thơ
Hà Lệ Diễm, đạo diễn kiêm quay phim của tác phẩm trên, gây ấn tượng với tôi ngay từ lần đầu gặp mặt bởi hai điều: chân thành và căng tràn nhựa sống. Cái cách mà Diễm nói chuyện khiến người nghe không thể dứt ra được, vừa nhẹ nhàng, lại vừa đong đầy niềm vui. Tựa như, hành trình ba năm rưỡi liên tục di chuyển Hà Nội – Sapa (Lào Cai) hay vác máy quay trèo đèo theo chân nhân vật chưa từng có chút nhọc nhằn nào. Tựa như, quãng thời gian tất bật với nhiều công việc làm thêm khác nhau – từ bán cam, đến “chạy lăng xăng” ở một số dự án của thầy cô, bạn bè… – để kiếm chút thù lao khiêm tốn mưu sinh chẳng có gì lớn lao. Có lẽ, Diễm vui với niềm vui làm phim nên đón nhận mọi chông gai đầy tích cực và hạnh phúc.
Nhìn cô gái trẻ người dân tộc Tày có phần dịu dàng ấy, ít ai có thể hình dung về sự bền bỉ, kiên trì và quyết liệt đến cùng. Không có thiết bị thì đi mượn, từ máy quay đến micro, ống kính. Không hiểu chỗ nào thì đi hỏi, từ thầy, cô đến đồng nghiệp. Lúc nhen nhóm ý tưởng, Diễm tự nhận bản thân khi ấy còn non kinh nghiệm nên liên tục “làm phiền” mọi người, từ gọi điện, đến nhắn tin, rồi gửi email để tâm sự, chia sẻ hay thắc mắc điều này điều kia. Những bước đi đầu tiên của Diễm với Những đứa trẻ trong sương cũng như tên gọi của bộ phim – mò mẫm từng chút, từng chút. Và ngay cả khi quyết định dừng việc ghi hình, nữ đạo diễn sinh năm 1992 cũng chưa biết sẽ kể câu chuyện ra sao.
“Tôi bắt đầu dự án bằng câu hỏi: “Tại sao tuổi thơ lại biến mất?”, khi nhìn đám trẻ con chơi với nhau rất vui. Tôi và bạn bè của mình cũng từng có tuổi thơ đầy hồn nhiên và trong trẻo như thế. Nhưng khi chúng tôi học hết lớp 9, các bạn đi lấy chồng, để lại tôi với nhiều ngổn ngang. Tôi biết tuổi thơ không tồn tại lâu và mãi mãi nên mong muốn làm phim để lưu giữ những gì đẹp nhất của tuổi thơ. Cũng chính vì vậy, khi nhận thấy Di đã trưởng thành, tôi biết mình nên dừng lại dù rằng không biết phim đã ổn hay chưa. Bởi tôi biết Di đã có thế giới riêng của cô bé…”, Diễm chia sẻ.
Những đứa trẻ trong sương không chỉ đi qua sương mù – một “nhân vật” không bao giờ tan biến của vùng rẻo cao Tây Bắc, nơi các em đang lớn từng ngày – mà còn là hành trình bước qua đổ vỡ của thế giới tuổi thơ để học cách trưởng thành, đối mặt với những rắc rối của thế giới người lớn cũng như áp lực giữa giá trị truyền thống và hiện đại.
Những đứa trẻ trong sương tranh giải ở Hạng mục phim châu Á tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất năm 2023 (diễn ra từ ngày 9 đến 13-5). Hạng mục này gồm 12 phim từ các nền điện ảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được sản xuất từ tháng 1-2021 đến tháng 1-2023.
|
“Khi thực hiện bộ phim, tôi nhớ lại bản thân cũng là đứa trẻ sinh ra trong sương mù. Tôi lớn lên ở một ngôi làng rất nhỏ ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Nhà tôi ở cuối một thung lũng, nhiều tháng trời không nhìn thấy người lạ là chuyện rất bình thường. Đường đến trường bé và hẹp, mất hút mỗi khi mùa đông đến. Tôi sợ sương mù đặc quánh che phủ không thấy lối đi nên nói dối để không phải đến trường. Nhưng bố mẹ cứ bắt đi học lại, tôi vẫn phải lấy hết can đảm để băng qua bức tường sương mù ấy. Nỗi sợ ấy rất giống nỗi sợ khi chúng ta phải lớn lên, khi chúng ta không biết thứ gì đợi mình phía trước”, Diễm tâm sự.
Đồng hành cùng nhân vật, cô bé Má Thị Di lớn lên, Diễm cũng “lớn lên”. Nữ đạo diễn quê Bắc Kạn học cách chấp nhận rằng cuộc sống không hẳn rạch ròi màu trắng hay màu đen, không ai tốt hay xấu hoàn toàn, kể cả bản thân. Theo Diễm, việc làm phim đã giúp cô trưởng thành về mặt con người lẫn nghề nghiệp. Diễm học nhiều điều từ cuộc sống xung quanh, từ nhân vật và gia đình nhân vật, từ mỗi vùng đất. Và Diễm học để có thể tiếp tục làm phim mới…
100 giờ quay, 100 phút phim
Ba năm rưỡi ghi hình, bốn tháng dịch tiếng H’Mông sang tiếng Việt và tiếng Anh, 6 tháng xem nháp và dựng thô, thêm gần 2 tháng dựng, chỉnh màu, hòa âm ở Thái Lan, 100 giờ quay đã được chắt lọc thành 100 phút phim lôi cuốn từ khung hình đầu tiên đến khung hình cuối cùng. Phim đầy chất thơ, cũng đầy trăn trở. Quá trình phát triển của Má Thị Di từ khi 12 tuổi với nụ cười giòn tan giữa triền núi mù sương đến năm cô bé H’Mông 15 tuổi tự mình đối mặt và lựa chọn trước tập tục “kéo vợ” lâu đời của dân tộc mình đưa người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có lúc bật cười vì sự ngây thơ, đáng yêu của nhân vật. Có lúc lại hồi hộp đến nghẹt thở trước sự lựa chọn của tuổi mới lớn…
Để có những thước phim tự nhiên và chân thật ấy, Diễm đã ở lại cùng gia đình Di và “sống như một người H’Mông thực sự” – như nhận xét của bố nhân vật. Năm 2017, Diễm tham gia chuyến đi tìm hiểu và sáng tác về cuộc sống của các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Sapa của Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội môi trường (iSEE). Đón Diễm ở bến xe, bố của Di chở thẳng cô gái ra đồng vì đang vụ cấy, không có người ở nhà. Ông và người làng bất ngờ khi thấy cô gái nhỏ nhiệt tình sà xuống cấy lúa phụ. Người dân nơi đây cảm tình với Diễm ngay từ những giây phút đầu tiên gặp gỡ ấy bởi sự hòa đồng, nhiệt tình.
Nhưng đứa bé đầu tiên bắt chuyện với Diễm là Di. Di mê kể chuyện, chuyện ở trường, chuyện đi cấy… Diễm lại là người rất thích lắng nghe. Cứ thế, người say sưa nói, người mê mải nghe, sự kết nối của hai cô gái nhỏ ngày càng khắng khít. Trong những ngày lưu trú ở nhà cha mẹ cô bé, Di hay rủ Diễm đi chơi cùng chúng bạn. Cũng từ đây, những nhen nhóm của bộ phim bắt đầu nên hình… “Thấy bọn trẻ con chơi với nhau, tôi thích quá nên quay lại và cho các em xem. Khi muốn làm phim, tôi có nói với Di là muốn quay phim về Di, để xem Di lớn lên như thế nào, trưởng thành ra sao. Di cũng rất tò mò, không biết lớn lên mình sẽ khác thế nào. Một năm sau, Di lớn hơn chút xíu, tôi nói rõ hơn với Di là tôi muốn làm phim về tuổi thơ và sự biến mất của những tuổi thơ ấy. Dù tiếng Việt lúc ấy chưa sõi, Di hỏi phim có thể mang được em của bây giờ về với em của tuổi thơ không. Tôi hết hồn với suy nghĩ già dặn của đứa trẻ 13 tuổi…”.
Từ khi bắt đầu cho đến các buổi quay, Diễm đều giải thích với Di và bố mẹ Di về việc mình làm. Di và bố mẹ rất thoải mái, mang Diễm đi khắp nơi để quay phim, từ đám cưới, đám tiệc đến đám ma… trong bản. Di cũng thích rủ Diễm đi theo Di đi chơi, chăn trâu hay làm những công việc hằng ngày. Diễm hòa vào cuộc sống của nhân vật, dù cô không biết tiếng H’Mông. Khi Di dần lớn, có những lúc Diễm phải nói cho Di biết là tại sao cô phải quay cảnh đấy. Có những lúc không thoải mái, Di từ chối. Tôn trọng nhân vật có lẽ là một trong những điều giúp Diễm luôn thành công với từng bộ phim. Diễm bảo, cách của cô là làm phim cùng với nhân vật. Có khi, họ chính là người gợi mở cho nữ đạo diễn nên làm gì tiếp theo.
Năm năm, một hành trình, nhưng sự gắn kết của Diễm với Di và người dân vùng cao ấy vẫn đang tiếp nối cũng như mở ra cho Diễm nhiều cơ hội, niềm tin và chặng đường mới cho đam mê làm phim tài liệu của mình.
Hà Lệ Diễm của tuổi mười tám lựa chọn ngành Báo chí – Truyền thông tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ bởi ước muốn giản đơn được đi và khám phá nhiều vùng đất. Nhưng khi đang công tác tại một cơ quan truyền hình với mức lương khá, Diễm không chút đắn đo xin… nghỉ việc để theo học tại Trại sáng tác phim tài liệu Varan Vietnam 2016. Từ đây, Diễm quyết định theo đuổi con đường làm phim độc lập.
Trước Những đứa trẻ trong sương, Diễm từng đạt giải Cánh diều Bạc 2013 với phim tài liệu ngắn Con đi trường học, kể về một người mẹ vùng cao nhiễm HIV từ người chồng đã qua đời nỗ lực đưa con đến trường. Năm đó, hạng mục trống giải Cánh Diều Vàng.
|
DUY AN