Thiên thạch nặng gần một kg rơi thủng mái nhà cư dân ở bang New Jersey thuộc nhóm chondrite đá tồn tại từ khi hệ Mặt Trời hình thành.
Các chuyên gia xác nhận một khối đá trông giống kim loại rơi xuyên qua mái nhà cư dân ở thành phố Hopewell thuộc bang New Jersey đầu tuần này là thiên thạch hiếm khoảng 4,6 tỷ năm, Space hôm 13/5 đưa tin. “Nhìn từ bên ngoài rõ ràng đó là thiên thạch thuộc lớp chondrite đá”, Nathan Magee, chủ nhiệm khoa vật lý ở Đại học New Jersey (TCNJ), cho biết. Cảnh sát thành phố Hopewell đã liên hệ với Magee không lâu sau khi tìm thấy khối đá hôm 8/5.
Chondrite là loại đá nguyên thủy chiếm 85% thiên thạch tìm thấy trên Trái Đất. Phần lớn chondrite tính đến nay được phát hiện ở Nam Cực, mẫu vật rơi xuống khu dân cư rất hiếm gặp. Khối đá ở New Jersey dài 15 cm và rộng 10 cm là một ngoại lệ. Nó rơi qua mái ngôi nhà ở thành phố Hopewell, găm vào nền nhà, tạo ra hai lỗ thủng ở trần và vẫn còn ấm khi cư dân Suzy Kop phát hiện vật thể trong phòng ngủ của cha cô vào trưa ngày 8/5. Sau khi đội phản ứng khẩn cấp làm sạch cặn phóng xạ độc hại trong ngôi nhà, Kop giao thiên thạch cho trường đại học ở gần đó để kiểm tra kỹ hơn.
Tại TCNJ, nhóm của Magee xin ý kiến Jerry Delaney, chuyên gia thiên thạch đã về hưu từng làm việc với bộ sưu tập ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ tại New York. Nhóm nghiên cứu xác nhận thiên thạch khoảng 4,6 tỷ năm tuổi, có nghĩa nó đã tồn tại từ khi bắt đầu hệ Mặt Trời. Nhiều khả năng thiên thạch nặng 0,9 kg sẽ được đặt tên là Titusville, địa chỉ gần nhất với nơi nó rơi xuống. Mẫu vật ở trong tình trạng hoàn hảo và là một trong số ít vụ rơi chondrite có nhân chứng mà giới khoa học từng ghi nhận, theo Magee.
Thiên thạch có lớp vỏ sẫm màu dày vài milimet do bốc cháy một phần trong khí quyển Trái Đất. Sử dụng thấu kính cầm tay được thiết kế để quan sát kỹ những khối đá, Magee và cộng sự nhận thấy khoáng chất của thiên thạch có màu xanh dương và xám, với một lượng nhỏ kim loại khác trộn lẫn.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu kết cấu và thành phần của khối đá bằng cách đặt nó vào trong một buồng lớn của kính hiển vi điện tử quét. Dựa trên ước tính ban đầu, thiên thạch này là một chondrite thuộc lớp LL-6, chứa ít sắt hơn các thành viên khác cùng họ và kém đặc hơn 30 – 40% phần lớn đá thông thường trên Trái Đất như đá bảng hoặc granite. Vì vậy, rõ ràng nó không phải đá trên Trái Đất.
Trước khi thiên thạch rơi qua khí quyển Trái Đất, nó đã tiếp xúc nhiều với nhiệt ngoài không gian, khiến cấu trúc và thành phần thay đổi nhiều đến mức rất khó để phân biệt các hạt chondrule cấu tạo nên thiên thạch.
An Khang (Theo Space)