Ẩm thực phong phú là một trong những thế mạnh thu hút khách du lịch đến với Quy Nhơn, Bình Định. Ghé thăm miền đất võ, du khách sẽ có cơ hội thết đãi vị giác của mình bởi hương vị của những món ăn rất giản dị mà đậm đà, khó quên của vùng đất này.
Các loại bánh ở Bình Định là một trong những điều đặc biệt khiến cho du khách thêm nhớ thêm thương đất và người Bình Định.
Thức quà đầu tiên không thể không kể đến chính là bánh ít lá gai. Người Bình Định có câu: Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi. Bánh ít lá gai như là một nét văn hóa truyền thống mỗi khi nhắc đến những món ăn truyền thống của người Bình Định. Bánh ít lá gai mang đến sự đặc biệt trong cả hương vị lẫn hình dáng.
Bánh ít lá gai vốn là một loại bánh của người Chăm Pa, tiếng Chăm Pa có nghĩa là “những ngọn núi”. Người Chăm Pa làm bánh này để dâng các vị thần. Bánh ít lá gai có vỏ bánh làm theo bánh ít của người Chăm Pa và ruột bánh làm theo bánh gai của người Hải Dương, thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Chăm Pa.
Nguyên liệu làm bánh ít có thể khác nhau nhưng điểm chung của loại bánh này là có chóp nhọn hình núi. Để ra bánh thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Gạo nếp làm bánh phải chọn loại nếp đặc biệt, sau đó ngâm gạo nếp qua đêm. Dừa lựa chọn quả không quá già. Lá gai tươi hái về mang đi luộc rồi giã nhuyễn, trộn đều lá gai với bột nếp rồi cho thêm đường, bột vani và các hương vị. Cơm dừa và đậu xanh bào ra làm nhân bánh. Để bánh giữ được lâu khoảng 4 đến 5 ngày, người làm bánh thường nướng bột trên lửa than sọ dừa giúp bánh ráo nước. Nếu không có công đoạn này bánh ít lá gai chỉ để được khoảng 1 ngày. Chiếc bánh thành phẩm “ra lò” là cả một quá trình tỉ mỉ, khéo léo của người làm bánh. Mỗi chiếc bánh ít lá gai đều là một món quà giản dị mà ý nghĩa mà người Bình Định muốn gửi tới du khách để nhớ mãi hương vị mang đậm tình đất, tình người nơi đây.
Một sự kết hợp hoàn hảo nữa mang đến vị ngon lưu luyến cho ẩm thực Bình Định đó là món bánh hỏi cháo lòng. Bánh hỏi là một trong những món bánh truyền thống đặc sắc của Bình Định với nguyên liệu là gạo hoàn toàn. Cháo được nấu lỏng, gạo ít nước nhiều. Người dân ở đây kể rằng, khi xưa nghèo khó, nên khi đi hỏi vợ cho con cái, người dân Bình Định thường mang theo loại bánh gạo này đến đám hỏi, vì thế bánh này còn có tên là bánh hỏi.
Ngoài ra, Bình Định còn nổi tiếng với món bánh hồng. Đây là một trong những món bánh đặc sản lâu đời của miền đất võ. Nguyên liệu chính của loại bánh này là gạo nếp Ngự có tiếng thơm và dẻo cùng với dừa tươi. Bề ngoài bánh tương tự như bánh chè lam, tuy nhiên hương vị thì khác hẳn, bánh hồng có vị ngọt thơm của gạo nếp và dừa.
Ghé Quy Nhơn du khách cũng đừng quên thưởng thức món bánh xèo tôm nhảy. Bánh xèo tôm nhảy Gia Vỹ và Quán ông Hùng là những điểm đến tuyệt vời nhất cho món ăn này.
Ngoài thưởng thức những món bánh thì Bình Định còn nổi tiếng với những món hải sản tươi ngon. Biển Quy Nhơn mang đến cho vùng đất này rất nhiều loại hải sản, trong đó phải kể đến cá sơn và cá trích. Đây là hai loại cá có vị rất ngon, là nguyên liệu lý tưởng cho món gỏi cá. Người dân nơi đây đã kết hợp hai loại cá này với tỏi Lý Sơn loại nhiều tép và hạt tiêu Chư Sê để tạo nên món bún chả cá thơm ngon có tiếng của vùng đất này. Hai quán bún cá nổi tiếng ở Quy Nhơn mà du khách có thể thưởng thức món bún chả cá sơn và cá trích đúng điệu đó là quán Bún cá Ngọc Liên và quán Bún cá Phượng Tèo, cả hai quán này đều nằm trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn.
Sau khi đã thưởng thức những món ăn đặc sản Bình Định, để tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt của người dân miền đất võ, du khách có thể ghé thăm 3 khu chợ nổi tiếng là chợ nón Gò Găng, chợ tre An Lương và chợ Gò. Chợ tre là chợ phiên chuyên bán một loại mặt hàng là cây tre. Chợ Gò thì mỗi năm họp một ngày duy nhất vào ngày mồng 1 Tết bán đủ các loại hàng hóa, nhiều nhất là trầu cau. Người Bình Định có câu: Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò. Người dân ở vùng Tuy Phước khi đến Tết thường đi chợ Gò để thưởng thức các món ăn phong phú. Chợ nón Gò Găng chuyên bán nón và thường họp chợ vào khoảng 3 giờ, 4 giờ sáng, người bán thì đi dạo còn người mua thì ngồi một chỗ.
Đến với miền đất võ Bình Định ngoài thưởng thức ẩm thực đặc sắc nơi đây, du khách đừng quên ghé thăm những địa danh du lịch nổi tiếng như Bảo tàng Quang Trung. Bảo tàng Quang Trung là nơi lý tưởng để du khách tìm hiểu thêm về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Ngoài ra du khách còn có thể ghé thăm chùa Thiên Hưng, làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá, Eo Gió, Tháp Đôi, cầu Thị Nại, Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, bãi tắm Kỳ Co…
Khu du lịch nổi tiếng Ghềnh Ráng Tiên Sa với bãi tắm Hoàng Hậu, dốc Mộng Cầm, nơi có mộ nhà thơ nổi tiếng Hàn Mạc Tử nằm yên bình trên đồi Thi Nhân. Viếng thăm mộ Hàn Mạc Tử, mọi xô bồ, ồn ào nơi phố thị dần lùi xa, nhường lại cho du khách một không gian tĩnh lặng, tận hưởng cảm giác thanh bình nơi chỉ có tiếng chim lao xao cùng tiếng gió rì rào vọng trong lời thơ của chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh.
Thưởng thức ẩm thực phong phú, thưởng ngoạn cảnh đẹp non nước hữu tình, tìm hiểu về cuộc sống và con người Bình Định sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Một lần đến với miền đất võ để thêm yêu mến tình đất, tình người nơi đây.
LAM CHIỀU