Trong sự phát triển của y học hiện nay, điều dưỡng viên không chỉ là người thực hiện theo các y lệnh của bác sĩ mà họ còn trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh, từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến chăm sóc tinh thần, nắm bắt tâm lý bệnh nhân… Có thể nói, chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc rất nhiều vào thái độ phục vụ, sự chuyên tâm và tinh thần trách nhiệm của chính những người điều dưỡng. Bởi vậy, trong những năm qua, ngành Y tế Ninh Bình đã luôn quan tâm, bồi dưỡng phát triển đội ngũ này, qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Hiện nay, ngành Y tế Ninh Bình có hơn 1.500 điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh đang công tác tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Trong đó, có trên 83% điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên có trình độ từ cao đẳng trở lên (tỷ lệ đại học chiếm 35%, sau đại học chiếm hơn 1,8%); đảm bảo lộ trình chuẩn hóa trình độ cao đẳng theo quy định của Bộ Y tế vào năm 2025. Hàng năm, có trên 90% người hành nghề điều dưỡng tại các bệnh viện, Trung tâm y tế được cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của ngành.
Song hành với bác sĩ trong quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, những người điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên với sự tận tâm, luôn yêu thương, chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình đã góp phần động viên tinh thần cho người bệnh và người nhà, giúp họ giảm bớt mệt mỏi về tinh thần trong quá trình khám bệnh, điều trị.
Xác định đây là lực lượng quan trọng trong phục vụ và chăm sóc người bệnh, đảm bảo an toàn cho người bệnh, những năm qua, ngành Y tế Ninh Bình luôn quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý điều dưỡng cho Điều dưỡng trưởng các đơn vị, tổ chức các hội thi nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp ứng xử, quy trình, quy định của ngành trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc người bệnh. Đồng thời, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành và khả năng giao tiếp, ứng xử của người điều dưỡng, hộ sinh được các cơ sở khám, chữa bệnh quan tâm triển khai thường xuyên…
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Nguyên, Trưởng phòng Điều dưỡng-Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong hoạt động chuyên môn của bệnh viện, vai trò của điều dưỡng trong công tác khám, chữa bệnh là không thể thiếu. Bởi ngoài thời gian được các bác sĩ khám bệnh, kê đơn điều trị, hầu hết thời gian còn lại, điều dưỡng là người tiếp xúc chính với người bệnh. Chăm sóc phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh, từ các kỹ thuật chuyên môn như tiêm truyền, cho uống thuốc, thay băng, giúp bệnh nhân hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt, thực hiện các xét nghiệm… cho đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh, giúp bệnh nhân làm quen với môi trường bệnh viện, chuyển viện hoặc đi khám chuyên khoa… Có thể nói, chất lượng của một cơ sở y tế phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng.
Điều dưỡng Phạm Khánh Tùng, nhân viên Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Người bệnh ung thư thường phải chịu nỗi đau cả thể chất lẫn tinh thần. Chúng tôi cùng với các bác sĩ, ngoài điều trị cho bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử”, còn chăm sóc tỉ mỉ, tận tình cho người bệnh như chính người thân của mình. Có những hoàn cảnh, những bệnh nhân còn trẻ mà đã mắc bệnh hiểm nghèo, trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn… Vì vậy, cùng với các liệu pháp thuốc men, chúng tôi còn áp dụng thêm trị liệu tâm lý, chia sẻ, động viên, an ủi để người bệnh thêm lạc quan đối diện với bệnh tật, có tinh thần tốt nhất, phối hợp trong điều trị, kéo dài được sự sống…
Hội thi Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên giỏi hàng năm, góp phần nâng cao tay nghề trong chăm sóc người bệnh.
Bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Năm nay tròn 30 năm (1993-2023), Hội Điều dưỡng Ninh Bình thành lập và phát triển. Thời gian qua, Hội Điều dưỡng tỉnh đã phối hợp với các phòng, ban chức năng của Sở Y tế, Công đoàn ngành và các đơn vị, bệnh viện trong tỉnh, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các hoạt động, phong trào thi đua của ngành, đạt Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên. Qua đó tiếp tục khẳng định, điều dưỡng là một mắt xích quan trọng trong quá trình khám, chữa bệnh nói riêng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, đòi hỏi dịch vụ khám chữa bệnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, điều dưỡng là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn tại các cơ sở y tế, thường xuyên, liên tục tiếp xúc với người bệnh. Các dịch vụ do điều dưỡng cung cấp chiếm đa số trong các dịch vụ y tế và liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. WHO đã đánh giá: “Dịch vụ chăm sóc sức khỏe do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp là trụ cột của hệ thống y tế”…
Đóng vai trò quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều dưỡng của tỉnh còn gặp những khó khăn về kinh phí và thời gian cho các hoạt động. Nhu cầu khám, chữa bệnh và yêu cầu của xã hội, của các cấp quản lý về chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp ứng xử của đội ngũ điều dưỡng ngày càng cao trong khi cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập và nhiều áp lực như giảm biên chế, cơ chế tự chủ, thủ tục hành chính khám chữa bệnh BHYT, giá dịch vụ y tế…
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó cán bộ y tế nói chung và đội ngũ điều dưỡng nói riêng là những chiến sĩ tuyến đầu của công tác phòng, chống dịch. Nhiều bệnh viện do sự quá tải về bệnh nhân, dẫn tới quá tải về công việc của đội ngũ điều dưỡng, vì vậy chất lượng chăm sóc có lúc, có nơi chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu người bệnh. Tính chủ động, chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi người bệnh của điều dưỡng chưa cao, còn có tâm lý thụ động trong công việc…
Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, đội ngũ điều dưỡng tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, lấy người bệnh làm trung tâm, giúp người bệnh yên tâm, tin tưởng khi đến khám, chữa bệnh. Mỗi điều dưỡng đều xác định, mặc dù áp lực công việc lớn nhưng với lòng yêu nghề, thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, họ tiếp tục sẵn sàng vượt qua khó khăn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân…
Bài, ảnh: Hạnh Chi