Hệ thống thần linh Việt thời Lê – Nguyễn được điển chế, với Thiên thần, Thổ thần, Sơn thần, Thủy thần, Dương thần, Âm thần; ở cấp độ Chi thần, Trung đẳng thần, Thượng đẳng thần và Thượng đẳng tối linh thần…, là minh chứng độc đáo khẳng định bản sắc dân tộc, bản lĩnh quốc gia Việt Nam thống nhất, trên nhiều phương diện: thiêng hóa hàng nghìn năm lịch sử Tổ quốc từ cội nguồn đất Tổ Phú Thọ, đến chiến công chống ngoại xâm, thủy quân và hệ thống thần linh biển, thần linh của cộng đồng làng xã…
Theo triết lý và điển chế Nho giáo, hoàng đế là Thiên tử, thay Trời cai trị muôn nơi, ban sắc cho thần dân và bách thần trong cõi. Hệ thống thần linh được điển chế hóa, đảm bảo tính chính thống để khẳng định đời sống văn hóa tinh thần Việt Nam, với những địa danh, thiết chế đình chùa tự miếu, phẩm vật cúng tế, quy trình lễ nghi, chủ thể di sản…, tự bao đời. Dù đó chỉ là những mảnh rời tư liệu, hiện vật đơn lẻ nhưng lại góp phần kết nối, phản ánh rõ nét diện mạo lịch sử – văn hóa Việt Nam.
Những sắc phong đang được rao bán trên sàn đấu giá ở Trung Hoa thực sự là những văn bản – di sản vô cùng quan trọng, quý giá, không chỉ cho mỗi một địa phương mà cả Việt Nam. Theo Trần Ngọc Đông – người bạn tâm huyết với di sản văn hóa Làng Việt, có gần 100 đạo sắc phong đã được đấu giá và trong 12 đạo sắc sắp đấu giá, đề cập trực tiếp tới nhiều vị thần linh Việt Nam đặc biệt, như Từ Đạo Hạnh, Tản Viên Sơn tam vị, Bạch Thạch, Minh Kính, Thành Hoàng, Sùng Cơ Tiên Hoàng Đế, Kim Ngô Đại tướng quân v.v., ở vùng đất Tổ Phú Thọ, vùng văn minh châu thổ sông Hồng (Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng).
Hành trình một di sản
Gần chục năm trước, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đã cảnh báo hiện tượng mua bán, đặt hàng thu gom các tư liệu chữ Hán có ấn triện, nhất là sắc phong. Nhờ đó, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp ngăn chặn, đưa vào chương trình công tác rộng khắp. Khảo sát ở đảo Lý Sơn và Khánh Hòa (2012), nhiều người cho biết việc thu mua tài liệu Hán Nôm đã có từ lâu. Một câu chuyện dài, diễn ra phổ biến từ lâu, thiết nghĩ không chỉ Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam…, mà sắp tới, sẽ có nhiều tài liệu cổ tương tự của Việt Nam xuất hiện ở nước ngoài (sưu tập cá nhân, sàn đấu giá, thị trường chợ đen…), với nhiều loại hình, chất liệu, niên đại, chủ thể, địa phương.
Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp quy, khung chính sách để bảo vệ di sản văn hóa cũng như tham gia các công ước quốc tế có liên quan. Vấn đề đặt ra là cần xác định một chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong nước cùng chiến lược hồi hương di sản văn hóa Việt Nam ở hải ngoại, bằng nhiều con đường, với nhiều phương cách, như ngoại giao văn hóa – như một căn cước công dân, cần khẩn cấp xây dựng quy chế, hiện thực hóa việc cấp căn cước di sản văn hóa. Di sản, mặc nhiên luôn mang nhiều giá trị, từ chính cộng đồng chủ thể cho tới cơ quan quản lý nhà nước. Ngành văn hóa các cấp nhanh chóng hoàn tất kiểm kê, định vị, mô tả, cấp căn cước (hồ sơ di sản) để quản lý và hỗ trợ, phối hợp với chủ thể di sản, giúp quản lý di sản hữu hiệu. Tùy mức độ và cấp độ giá trị, hiện trạng để đề xuất phương thức bảo vệ, công bố thông tin phù hợp, chính thức trên phương diện pháp lý (xây dựng hồ sơ hiện vật, sưu tập, hồ sơ di tích và hồ di sản văn hóa phi vật thể để công nhận các cấp hành chính: khoanh vùng, danh mục bảo vệ, cấp tỉnh thành phố, cấp quốc gia và cả đệ trình UNESCO). Một khi di sản bị lọt ra khỏi không gian di sản, ra khỏi khung pháp lý của nhà nước, thì đương nhiên đã bị khẳng định tính bất hợp pháp và chúng ta hoàn toàn có cơ sở pháp lý để tranh biện. Chính thức kiểm soát việc xuất khẩu văn bản Hán Nôm sẽ bổ sung văn bản pháp quy về cổ vật, chống nạn trộm cắp, mua bán cổ vật phi pháp.
Những việc cần làm ngay
Trong sách “Không có bản sắc văn hóa”, tác giả Francois Jullien nhấn mạnh tới động năng văn hóa và nguồn nuôi dưỡng văn hóa để văn hóa tiếp thêm nghị lực, vận động, thích ứng, tiếp thu tinh hoa bên ngoài để hoàn thiện chủ thể văn hóa. Gia tộc và làng xã truyền thống là nền tảng căn bản xuyên suốt lịch sử văn hóa Việt Nam, cái nôi kiến tạo, thành trì bảo vệ di sản văn hóa với sức sống bền bỉ trước bao thăng trầm của lịch sử, thiên tai, địch họa. Ngành văn hóa và nhiều tỉnh thành, như Thừa Thiên Huế, đã rất quan tâm tới di sản Hán Nôm, chương trình Hán Nôm của chúng tôi ở Quảng Nam…, cho thấy rất rõ điều đó. Di sản văn hóa của tiền nhân do vậy, vô cùng quý giá, càng được chắt chiu trân trọng, ngưỡng vọng, từ hình ảnh biểu tượng: người mẹ ôm tay nải, người cha ôm hòm bộ mỗi khi “chạy giặc”. Cần đặc biệt chú trọng vấn đề văn hóa gia tộc và làng xã trong bối cảnh hiện nay, nhất là với xu hướng đô thị hóa, thị trường hóa ngày càng khốc liệt.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là ngành văn hóa và chủ thể di sản văn hóa cần tham chiếu, vận dụng khung pháp lý và thể chế, luật di sản trong nước và các công ước quốc tế có liên quan để đàm phán, hồi hương di sản, như trường hợp Kim ấn triều Nguyễn vừa qua, nhất là theo phương thức ngoại giao văn hóa và xã hội hóa phù hợp.
Mất di sản mới càng thấy sự quý giá của di sản bởi nguy cơ mai một hồn cốt, sức sống của chủ thể và không gian di sản gốc, từ làng xã tới giang sơn. Nguy cơ cũng mở ra thuận lợi căn bản cho nhiều cơ hội hợp tác công tư trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Một khi chưa có những sàn đấu giá chính thức, cần có môi trường và cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để “sàn thiện nguyện” của những người tâm huyết với di sản muốn “công đức” hồi hương di sản, lâu nay rất muốn làm, nhưng lại gặp quá nhiều lúng túng và khó khăn.