Thời gian qua, các hoạt động kiểm tra, hậu kiểm đã góp phần ngăn chặn và xử lý nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời qua công tác kiểm tra đã có những đề xuất giúp các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các địa phương có chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý kịp thời sự cố về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ/18 người ngộ độc thực phẩm tại thị xã Sa Pa và huyện Văn Bàn. Rất may các trường hợp đều bị nhẹ, không ảnh hưởng tới tính mạng. Chính việc kiểm tra, lấy các mẫu xét nghiệm đã giúp xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp xử lý nguồn cung cấp thực phẩm. Việc tổ chức hậu kiểm cũng góp phần “chống” lại các mặt hàng thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng được bày bán…
Cùng với việc kiểm tra thường xuyên của các huyện, xã về buôn bán thực phẩm tại các địa phương, hằng năm các đoàn liên ngành của tỉnh cũng tổ chức kiểm tra cao điểm về an toàn thực phẩm.
Thực hiện đợt cao điểm từ ngày 20/4 đến 12/5, Đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm số 1 của tỉnh đã kiểm tra, hậu kiểm đột xuất 17 cơ sở kinh doanh tại thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát và huyện Mường Khương. Theo đó, đoàn đã xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc (mỗi cơ sở 3 triệu đồng) tại thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) và xã Y Tý (huyện Bát Xát); xử phạt 12 triệu đồng đối với 1 cơ sở cung cấp thực phẩm tại phường Sa Pa (thị xã Sa Pa) về vi phạm điều kiện bảo quản thực phẩm. Cùng với đó là nhiều cơ sở bị nhắc nhở về điều kiện kinh doanh, hóa đơn sản phẩm…
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 213 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó có 5 đoàn liên ngành của tỉnh. Kết quả kiểm tra trong 4 tháng đầu năm là trong số 2.722 cơ sở kinh doanh, cung cấp thực phẩm có 2.673 cơ sở đạt (chiếm 98,2%), 29 cơ sở bị phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 96,3 triệu đồng. Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã chủ trì 2 đoàn kiểm tra đi kiểm tra 65 cơ sở thực phẩm, trong đó có 52 cơ sở đạt, 13 cơ sở không đạt, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 12 cơ sở, với số tiền xử phạt là 41,8 triệu đồng về các hành vi như không kiểm thực 3 bước và không lưu mẫu thực phẩm, không có đủ dụng cụ chế biến riêng, nơi chế biến có động vật gây hại, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa…
Công tác hậu kiểm cũng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm, sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, lễ hội, các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Kết hợp kiểm tra, hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, đánh giá nội dung ghi nhãn và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm (hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật cơ sở công bố áp dụng). Hoạt động hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm được thực hiện thường xuyên tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe cơ sở thuộc diện miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Hải Sơn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, các nội dung trọng điểm trong hậu kiểm đang được thực hiện gồm tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu; kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; kiểm soát các nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo Văn bản số 1693/BYT-QLD ngày 29/3/2019 của Bộ Y tế.
Trước đó, UBND tỉnh cũng đã có Kế hoạch 178/KH-UBND về triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm. Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; triển khai hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Qua công tác hậu kiểm tiếp tục tuyên truyền chính sách pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.