Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Chiến thuật chọn phương thức tuyển sinh sớm để tăng cơ hội trúng tuyển” của Báo Thanh Niên chiều 25.4.
Gửi câu hỏi đến chương trình, bạn đọc Phước Long viết: “Em muốn theo học nghề y nhưng thực sự khi vào bệnh viện lại cảm thấy áp lực. Nếu đặt trong tình huống mình là bác sĩ thì có thể em không hoàn thành được công việc. Vậy em nên chọn học ngành nào cũng liên quan đến nghề y nhưng đỡ áp lực trực tiếp từ việc điều trị bệnh?”.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận: “Nghề bác sĩ rất cao quý nhưng áp lực học hành cũng rất lớn”.
Theo tiến sĩ Phương, để trở thành một bác sĩ lành nghề, sinh viên không chỉ trải qua 6 năm học ở trường y, mà còn có hơn phân nửa thời gian thực hành tại các bệnh viện với bác sĩ chuyên khoa. Khi ra trường, bác sĩ đa khoa vẫn phải tiếp tục một quá trình học tập nữa nên tổng cộng thời gian để trở thành một bác sĩ điều trị có thể lên tới 10 năm, tiến sĩ Phương lưu ý.
Tiến sĩ Phương chia sẻ: “Không chỉ trong thời gian học tập, khi làm việc các bác sĩ cũng đứng trước những áp lực rất lớn. Điều này có thể nhận thấy khi chúng ta đứng trước khoa cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phương, ngành y không chỉ có bác sĩ đa khoa mà còn có những ngành khác. Lời khuyên chuyên gia này đưa ra là thí sinh nên cân nhắc lại sức học của mình để chọn một ngành học phù hợp ngay từ quá trình tuyển sinh đầu vào.
Chẳng hạn, với điểm sàn của ngành khoa học sức khỏe năm 2022, ngành y khoa là 22 điểm (điểm sàn của Bộ GD-ĐT). Với lượng thí sinh nộp hồ sơ nhiều, điểm chuẩn ngành y khoa ở các trường cũng cao hơn, chẳng hạn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm ngoái lấy điểm chuẩn ở mức 24 (bình quân mỗi môn cần 8 điểm và năm lớp 12 phải có học lực giỏi). Một ngành gần với ngành y khoa là dược học với điểm sàn cũng khá cao.
Tiến sĩ Phương cho hay, còn có một số lựa chọn khác cho thí sinh như y học dự phòng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của năm 2022 có vẻ “dễ thở” hơn, với mức từ 19 trở lên. Nếu đạt từ 19 điểm trở lên thì thí sinh có thể cân nhắc thêm ngành điều dưỡng, ngành học mà cả thế giới đang rất cần.
“Nếu muốn học ngành điều dưỡng thì điều quan trọng đầu tiên là bản thân bạn phải yêu thương bệnh nhân và muốn giúp đỡ họ và có sức khỏe tốt để làm công việc này”, tiến sĩ Phương thông tin thêm.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Phương, 2 ngành thiên về kỹ thuật nhưng liên quan đến ngành y mà thí sinh có thể cân nhắc là: kỹ thuật y sinh, vật lý y khoa. “Quản lý bệnh viện cũng là ngành giúp bạn thỏa đam mê được làm trong bệnh viện nhưng nhẹ nhàng hơn do ít liên quan đến chuyên môn ngành y hơn”, tiến sĩ Phương nói thêm.
Năm ngoái, Bộ GD-ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) khối ngành khoa học sức khỏe theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT như sau: y khoa, răng hàm mặt là 22 điểm; y học cổ truyền, dược học là 21 điểm; hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, điều dưỡng, y học dự phòng, kỹ thuật phục hồi chức năng là 19 điểm.
Đây là điểm sàn tối thiểu nhận hồ sơ các ngành này áp dụng với thí sinh khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 bài thi/môn thi. Tuy nhiên, điểm chuẩn các ngành này ở các trường hầu hết đều cao hơn mức sàn.
Điểm chuẩn các ngành y khoa năm 2022 ra sao?
Năm 2022, Trường ĐH Y Hà Nội lấy 28,15 điểm ngành y khoa, kèm theo tiêu chí phụ là thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nghĩa là với những thí sinh đạt 28,15 điểm thì chỉ những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 mới trúng tuyển).
Trường ĐH Y dược TP.HCM lấy điểm chuẩn ngành y khoa theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT ở mức 27,55. Ở phương thức kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm chuẩn ngành y khoa ở mức 26,6 điểm.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng xác định 2 mức điểm chuẩn khác nhau dành cho thí sinh xét tuyển ngành y khoa: 25,85 (thí sinh có hộ khẩu TP.HCM) và 26,65 (thí sinh có hộ khẩu tại các địa phương khác).
Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) lấy điểm chuẩn ngành y khoa (chất lượng cao) mức 26,45 (phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT) và 25,6 (phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng Anh).
Trong đó, ngành y khoa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có điểm chuẩn theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức 25 điểm. Một số trường lấy điểm chuẩn ngành y khoa bằng với mức sàn của Bộ GD-ĐT như Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Võ Trường Toản…
Hiện thời gian đào tạo các ngành bác sĩ gồm 6 năm như: y khoa, y học dự phòng, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt. Bên cạnh đó, ngành dược học có thời gian đào tạo 5 năm và các ngành cử nhân khác 4 năm.
Điểm chuẩn các ngành y khoa năm ngoái ra sao?
Năm 2022, Trường ĐH Y Hà Nội lấy 28,15 điểm ngành y khoa, kèm theo tiêu chí phụ là thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nghĩa là với những thí sinh đạt 28,15 điểm thì chỉ những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 mới trúng tuyển).
Trường ĐH Y dược TP.HCM lấy điểm chuẩn ngành y khoa theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT ở mức 27,55 điểm. Ở phương thức kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm chuẩn ngành y khoa ở mức 26,6 điểm.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng xác định 2 mức điểm chuẩn khác nhau dành cho thí sinh xét tuyển ngành y khoa: 25,85 (thí sinh có hộ khẩu TP.HCM) và 26,65 (thí sinh có hộ khẩu tại các địa phương khác).
Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) lấy điểm chuẩn ngành y khoa (chất lượng cao) mức 26,45 (phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT) và 25,6 (phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng Anh).
Trong đó, ngành y khoa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có điểm chuẩn theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức 25 điểm. Một số trường lấy điểm chuẩn ngành y khoa bằng với mức sàn của Bộ GD-ĐT như Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Võ Trường Toản…
Hiện thời gian đào tạo các ngành bác sĩ gồm 6 năm như: y khoa, y học dự phòng, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt. Bên cạnh đó, ngành dược học có thời gian đào tạo 5 năm và các ngành cử nhân khác 4 năm.