Người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên, nhất là khi nắng gắt, bị cháy nắng có thể hình thành khối u ác tính trên da.
Ung thư da là tình trạng các tế bào da phát triển ngoài tầm kiểm soát. BS.CKII Ngô Trường Sơn (Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết có hai loại ung thư da chính là ung thư da không hắc tố và ung thư da hắc tố.
Ung thư da không hắc tố: Loại ung thư này thường xảy ra nhất trên các bộ phận của cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, lặp đi lặp lại như tai, mặt, cổ và cánh tay. Ung thư da không hắc tố gồm ung thư biểu mô tế bào vảy (loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào nằm ở bên ngoài cùng của lớp biểu bì) và ung thư biểu mô tế bào đáy (loại ung thư bắt đầu từ các tế bào đáy của da).
Ung thư da hắc tố ác tính: Đây là loại ung thư da bắt đầu từ các tế bào hắc tố. Trong tất cả các loại ung thư da, ung thư hắc tố gây ra nhiều ca tử vong nhất vì có xu hướng lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả các cơ quan quan trọng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ ung thư da hắc tố ác tính tương quan với các đặc điểm di truyền, cá nhân và tiếp xúc với tia cực tím.
Ngoài ra còn có các loại ung thư da ít gặp khác như: ung thư da tế bào merkel (hình thành do sự phát triển quá mức của các tế bào merkel; ung thư hạch da (hình thành khi các tế bào bạch cầu trên da phát triển bất thường)…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 132.000 ca u hắc tố ác tính, 2-3 triệu ca ung thư da không phải u hắc tố ác tính. Khi nồng độ ozone cạn kiệt, bầu khí quyển ngày càng mất đi chức năng lọc và bảo vệ, bức xạ tia cực tím từ mặt trời đến bề mặt trái đất ngày càng nhiều. Các nhà nghiên cứu ước tính, khi nồng độ ozone giảm 10% sẽ có thêm khoảng 300.000 trường hợp ung thư da không hắc tố và 4.500 trường hợp ung thư da hắc tố.
Yếu tố nguy cơ
Bác sĩ Trường Sơn chia sẻ thêm, nguyên nhân chủ yếu gây ung thư da là bức xạ từ tia cực tím của ánh nắng mặt trời. Có nhiều nốt ruồi không điển hình là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với u hắc tố ác tính ở những người có làn da trắng. U hắc tố ác tính phổ biến hơn ở những người có nước da nhợt nhạt, mắt xanh và tóc đỏ hoặc vàng. Người có tiền sử bị cháy nắng; tiếp xúc với than và các hợp chất asen cũng có nguy cơ mắc loại ung thư này.
Người làm việc ở độ cao và ngoài trời có nguy cơ ung thư da cao hơn do tia cực tím mạnh hơn khi độ cao tăng (vì bầu khí quyển mỏng hơn ở độ cao nên không thể lọc tia cực tím hiệu quả). Các tia nắng mặt trời mạnh nhất ở gần xích đạo nên những người sống càng gần xích đạo nguy cơ ung thư da càng cao.
Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ khác là tiếp xúc nhiều lần với tia X; sẹo do bệnh và bỏng; ức chế miễn dịch như ở những người đã cấy ghép nội tạng; tuổi tác; tiền sử ung thư da; một số bệnh di truyền hiếm gặp…
Dấu hiệu
Ung thư da thường xuất hiện trên mặt, cổ, cánh tay, chân, tai và bàn tay – những vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nó cũng có thể xuất hiện ở các khu vực khác.
Ung thư da thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm. Các triệu chứng ung thư da có thể bao gồm: tổn thương mới trên da hoặc thay đổi kích thước, hình dạng hoặc màu sắc. Những thay đổi này có thể khác nhau rất nhiều nên không có cách nào để mô tả ung thư da trông như thế nào. Một số người có thể bị ngứa hoặc đau; vết loét không lành mà chảy máu hoặc có vảy; đỉnh da xuất hiện vết sưng sáng bóng màu đỏ hoặc màu da; đốm đỏ sần sùi hoặc có vảy có thể sờ thấy trên da. Khối u có viền nổi lên và lớp vỏ trung tâm hoặc chảy máu; da xuất hiện các nốt như mụn cóc, vệt giống như vết sẹo không có đường viền rõ ràng…
Bác sĩ Trường Sơn cho biết, các triệu chứng ung thư da có thể khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư da và vị trí trên da. Do đó, khi xuất hiện bất kỳ đốm mới hoặc thay đổi nào trên da tồn tại trong hai tuần trở lên, người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Điều trị và phòng ngừa
Để chẩn đoán ung thư da, các phương pháp thông thường nhất là thăm khám sức khỏe tổng thể, hỏi bệnh sử cá nhân và gia đình. Sau đó, bác sĩ có thể đánh giá các tổn thương bằng soi da, sinh thiết và giải phẫu mô bệnh học. Các phương pháp điều trị ung thư da có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp quang động, liệu pháp sinh học, liệu pháp miễn dịch.
Bác sĩ Trường Sơn khuyến nghị, để giảm nguy cơ ung thư da, cách tốt nhất là cần tránh để da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời và các nguồn bức xạ UV khác như hạn chế tắm nắng; hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm tia cực tím cao (trong khoảng từ 10-14h). Mọi người nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên cho toàn thân; nên thoa trước khi ra ngoài ít nhất 10 phút và thoa nhắc lại mỗi 30 phút một lần nếu ở ngoài trời. Nên mặc áo chống nắng (loại chuyên dụng chống tia UV), đội nón rộng vành; mặc đồ sáng màu thay vì tối màu khi ra ngoài trời nắng vì màu đen sẽ hấp thụ tia cực tím nhiều hơn.
Bạn có thể đeo kính râm, loại chống tia cực tím 100% khi ra ngoài trời nắng. Chủ động khám sức khỏe định kỳ mỗi năm ít nhất một lần và hai lần ở người có yếu tố nguy cơ. Lưu ý, khi xuất hiện dấu hiệu bất thường trên da kéo dài hai tuần, nốt ruồi phát triển lớn hơn và có các mạch máu bao quanh…, người bệnh cần thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên Phương