“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng xem xét các đề xuất thực sự nghiêm túc từ Ukraine và phương Tây để tìm giải pháp chính trị, ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga sẽ không chấp nhận bất cứ tối hậu thư nào”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Telegram ngày 18/3.
Nhà ngoại giao Nga chỉ trích giới chức Ukraine, trong đó có Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, từ chối ngồi vào bàn đàm phán.
Bình luận của bà Zakharova đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ukraine Kuleba hôm 16/3 cho biết, ông đã thảo luận với giới chức Trung Quốc về kế hoạch hòa bình 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất. Một trong những điều kiện nêu trong bản đề xuất là Nga phải rút hết quân và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine.
Bà Zakharova cho rằng, kế hoạch hòa bình của nhà lãnh đạo Ukraine “không khác những tối hậu thư” và “xa với thực tế”. Theo bà, mục đích đề xuất của ông Zelensky là buộc Nga phải đầu hàng với sự hỗ trợ của phương Tây.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, một phần không thể thiếu trong kế hoạch hòa bình bền vững nên bao gồm việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt và công nhận quốc tế về việc Nga tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine.
Về phía Ukraine, giới chức nước này cho biết sẽ tiếp tục đánh giá khả năng đàm phán hòa bình, song mặt khác tuyên bố không đưa ra bất cứ thỏa hiệp nào về lãnh thổ, cũng như không từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và Liên minh châu Âu. Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh không đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Chính quyền của ông kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ khí tài để giúp Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ và củng cố vị thế của Kiev trên bàn đàm phán.
Trong một nỗ lực nhằm tháo ngòi xung đột, tháng trước, Trung Quốc đã đưa ra một bản đề xuất hòa bình gồm 12 điểm, trong đó có đề cập đến việc tôn trọng chủ quyền của các nước. Bắc Kinh nhấn mạnh, đối thoại và đàm phán là “giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine”
Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây tỏ ra thận trọng với đề xuất của Bắc Kinh. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng, đề xuất hòa bình của Trung Quốc nghiêng về phía Nga, phản ánh lập trường của Moscow và điều này khiến Washington lo ngại. “Chúng tôi cho rằng việc Trung Quốc hiểu được lập trường của Ukraine chứ không chỉ Tổng thống Putin có ý nghĩa quan trọng”, ông Kirby nói.
Ông cho biết, Washington phản đối lệnh ngừng bắn ở Ukraine vào lúc này do lo ngại Nga sẽ sử dụng điều đó để có thời gian khôi phục lực lượng, sau đó tiến sâu hơn vào các vị trí của Ukraine. Mỹ tuyên bố tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến khi cần, giúp Kiev nâng vị thế đàm phán nhờ chiến thắng trên chiến trường.