THIẾU CỤC BỘ
Tái khám tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, ông Danh Tài, ngụ huyện Gò Quao cho biết: “Tôi mắc nhiều bệnh liên quan đến tim mạch phải tái khám và lấy thuốc uống hàng tháng. Những tháng gần đây, ngoài thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán, tôi phải mua thêm thuốc bên ngoài theo toa của bác sĩ. Bác sĩ giải thích là đơn vị không đủ thuốc, mong người dân thông cảm. Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, mua thuốc uống trong 1 tháng từ 200.000-400.000 đồng. Tôi mong ngành y tế sớm có giải pháp khắc phục để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, giảm khó khăn cho người dân”.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Thành – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, bệnh viện thiếu một số loại thuốc, vật tư y tế gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh. Bệnh viện đang phối hợp với các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian sớm nhất, đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Đến nay, Sở Y tế tiếp nhận 4 gói thầu thuốc, vật tư y tế của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, trong đó 1 gói thầu đã trình UBND tỉnh chờ phê duyệt, còn 3 gói thầu đã hoàn tất các hồ sơ, thủ tục chuẩn bị trình UBND tỉnh.
Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức mở thầu lựa chọn các gói thầu cung cấp thuốc tập trung cho cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Đỗ Thiện Tùng cho biết: “Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức mua sắm thuốc theo đúng quy định và phù hợp tình hình thực tế, trong đó đặc biệt tổ chức mua sắm thuốc tập trung thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi dần từng bước cung ứng đủ thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho các cơ sở điều trị. Tuy nhiên, công tác mua sắm còn bộc lộ hạn chế, dẫn đến một vài cơ sở y tế thiếu cục bộ một số thuốc hoặc vật tư y tế”.
Lý giải nguyên nhân thiếu cục bộ một số thuốc và vật tư y tế, đồng chí Đỗ Thiện Tùng cho biết theo quy định danh mục mua sắm và thanh toán bảo hiểm y tế được dựa vào phân tuyến kỹ thuật, phân hạng bệnh viện, mô hình bệnh tật và khả năng triển khai kỹ thuật của đơn vị đó. Do đó, không thể đòi hỏi cơ sở y tế tuyến xã có đầy đủ thuốc và vật tư y tế như tuyến huyện và danh mục thuốc, vật tư y tế tuyến huyện không đầy đủ như tuyến tỉnh.
Quy trình tổ chức mua sắm (đấu thầu) phức tạp, thường kéo dài và phải qua nhiều công đoạn, trong khi văn bản quy định việc đấu thầu khá nhiều. Có trường hợp trong lúc đang tổ chức thực hiện quy trình đấu thầu thì văn bản mới phát hành, phải hủy bỏ các bước thực hiện trước đó và thực hiện lại nên mất nhiều thời gian, công sức.
Một số quy định còn chưa phù hợp tình hình thực tế khi tổ chức thực hiện hoặc văn bản quy định chưa rõ dẫn đến nhiều tranh cãi. Trong mua sắm thuốc, số lượng mặt hàng thuốc được xây dựng kế hoạch đấu thầu rất nhiều, đa dạng về chủng loại, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, đường dùng… đòi hỏi phải cân nhắc, lựa chọn, giải trình hợp lý. Các nhà thầu chậm giao hàng, không giao hàng do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, cơ sở y tế thanh toán công nợ chậm…
Bên cạnh đó, một số yếu tố chủ quan như quy trình xây dựng kế hoạch và thẩm định chưa khoa học. Bộ phận nhân sự tiếp cận công tác đấu thầu đa phần là người mới, chưa có kinh nghiệm nhưng không có sự kế thừa của người làm công tác này trước đó. Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động trong công tác mua sắm; xử lý tình huống phát sinh trước, trong và sau đấu thầu chưa được chủ động…
CẦN CHỦ ĐỘNG TRONG MUA SẮM THUỐC
“Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số đơn vị hiện nay, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan để phân tích nguyên nhân chậm trong đấu thầu, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng đơn vị để phối hợp giải quyết hoặc kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền. Đồng thời, đề ra những giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ, kịp thời cho người dân trong thời gian tới”, đồng chí Đỗ Thiện Tùng cho biết.
Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền xây dựng danh mục thuốc, hóa chất, vật tư y tế… sử dụng tại đơn vị và không được để thiếu. Nếu thiếu thuốc, vật tư y tế trong danh mục thì cơ sở khám, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế; trường hợp ngoài danh mục thì hướng dẫn bệnh nhân đi khám bệnh tuyến trên hoặc tự chi trả.
“Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phải chủ động trong công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế (triển khai công tác đấu thầu trước 6 tháng khi kết thúc hợp đồng mua sắm). Bên cạnh thực hiện tốt việc mua sắm tập trung, các cơ sở y tế cần chủ động đa dạng hóa các hình thức mua sắm, không chờ kết quả đấu thầu tập trung của Trung ương hoặc của tỉnh. Tuy nhiên, các đơn vị dù mua sắm bất cứ hình thức nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, hợp lý, hiệu quả, kinh tế và phù hợp tình hình thực tế tại cơ sở”, đồng chí Đỗ Thiện Tùng nói.
Bài và ảnh: MI NI