Buổi lễ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến giữa điểm cầu chính tại cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và điểm cầu trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố. Đây là sự kiện đặc biệt hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).
Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức; chiến sĩ các lực lượng vũ trang; đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể; các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, đền ơn đáp nghĩa, cùng đồng lòng, chung sức ủng hộ, góp công, góp của để MTTQ Việt Nam thực hiện thành công chương trình này.
Cùng dự Lễ phát động có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, tại chương trình có sự tham dự của hai nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện đang sinh sống tại Thủ đô Hà Nội là Thiếu tướng Đào Quang Cát (91 tuổi) và Đại tá Nguyễn Hữu Tài (94 tuổi).
Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là hoạt động vô cùng ý nghĩa không chỉ trong công tác chăm lo cho người nghèo tỉnh Điện Biên mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân quan tâm chăm lo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo Đề án, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/căn nhà với tổng kinh phí vận động hỗ trợ dự kiến khoảng 350 – 400 tỷ đồng. Ngoài mức hỗ trợ như trên, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn cùng tham gia vận động, hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công… để nâng cao giá trị công trình nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình.
Tại Lễ phát động, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao việc MTTQ Việt Nam đã có sáng kiến “Đền ơn đáp nghĩa” thực chất, nặng tình “tương thân tương ái”; đồng thời hoan nghênh sự có mặt của đông đảo đại diện các tổ chức, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân tại sự kiện này.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi, là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử dân tộc, là biểu tượng ngời sáng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí và tinh thần quật khởi; được làm nên từ sự cống hiến, hy sinh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; trong đó có sự đóng góp trực tiếp của đồng bào, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cùng các địa phương vùng Tây Bắc, nơi vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương trực tiếp của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chủ tịch nước cho rằng, chúng ta hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong bối cảnh đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới. Đời sống các tầng lớp nhân dân nói chung, trong đó có đời sống của đồng bào các dân tộc, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, so với mặt bằng phát triển chung của cả nước, Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ, hàng vạn hộ nghèo vẫn phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát, một bộ phận nhân dân còn thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, điện chiếu sáng, cơ sở trường học, dịch vụ khám chữa bệnh…
Do đó, mục tiêu vận động xây dựng 7.000 đến 8.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên và một số địa bàn Tây Bắc trong thời gian một năm, từ tháng 5/2023 đến tháng 5/2024 của Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương – Nghìn mái nhà hạnh phúc” là một quyết tâm cao để xóa nhà tạm, nhà dột nát, các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có điều kiện nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững.
“Đây là việc làm đẹp, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái, giúp đỡ, tiếp sức thiết thực, vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân chân thành đối với đồng bào các dân tộc trên vùng đất mà trước kia bà con đã dành sự hy sinh, cống hiến lớn lao, đóng góp sức người, sức của, không tiếc máu xương cho Tổ quốc” Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng đề nghị, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên, các tỉnh vùng Tây Bắc cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo, quản lý triển khai có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, thực hiện đồng bộ các giải pháp, làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân sinh kế không chỉ để thoát nghèo mà còn tiến tới có cuộc sống đủ đầy, chất lượng hơn. Phát huy lợi thế truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc, huy động tổng thể các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch nước cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở các khu vực miền núi, biên giới nói chung, đối với tỉnh Điện Biên và địa bàn Tây Bắc nói riêng. Trọng điểm là thúc đẩy thực hiện có chất lượng, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch nước đề nghị MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí tích cực cổ vũ, vận động người dân nỗ lực lao động sáng tạo, vươn lên thoát nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền, động viên khích lệ, nêu gương điển hình, lan tỏa những việc làm tốt, những cách làm hay, những việc thiện nguyện dành cho vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, gian khổ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận và cảm ơn những tấm lòng nhân văn, nhân ái, những hành động thiết thực, nghĩa tình của các tổ chức, cá nhân đã và sẽ chung tay đóng góp, tham gia thực hiện Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương – Nghìn mái nhà hạnh phúc”.
Ngay tại Lễ phát động, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, cá nhân đã đăng ký ủng hộ chương trình với tổng kinh phí hơn 250 tỷ đồng.