13/05/2023 13:13
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ trí thức tỉnh ta không ngừng tăng lên về số lượng, chất lượng, cơ bản phát huy tính sáng tạo, tâm huyết trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Quan tâm hoàn thiện môi trường và tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức là nội dung mà tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Môi trường hoạt động được hiểu trên cả hai yếu tố là hình thành, hoàn thiện các hành lang pháp lý và đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ cho đội ngũ trí thức. Bởi vậy, trong thời gian qua, tỉnh ta đã thành lập các hội đồng khoa học và công nghệ, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, hội đồng sáng kiến cấp tỉnh, hội đồng quản lý quỹ khoa học – công nghệ, Câu lạc bộ trí thức của tỉnh, ban hành Quy chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhằm xây dựng và hình thành các hành lang pháp lý cho hoạt động của đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật từng bước được tỉnh đầu tư, đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trí thức. Chỉ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, tính đến cuối năm 2017, hệ thống mạng cáp quang đã được phát triển đến 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức, viên chức đạt 91% (trong đó cấp tỉnh đạt 93%, cấp huyện 89%); 100% đơn vị có kết nối mạng nội bộ LAN; 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã có trang thông tin điện tử và triển khai phần mềm Quản lý văn bản, điều hành eOffice.
|
Để thu hút đội ngũ trí thức, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh học đại học, sau đại học, chính sách thu hút cán bộ, sinh viên tốt nghiệp về công tác tại tỉnh và một số chính sách đãi ngộ cho trí thức trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, đã có 533 cán bộ, công chức, viên chức (người DTTS) tốt nghiệp trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đã được tỉnh hỗ trợ. Tỉnh cũng đã chỉ đạo mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếng DTTS và các kĩ năng mềm khác cho trên 57 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức để áp dụng tốt các kiến thức vào thực tiễn.
Với nhiều giải pháp được triển khai, đội ngũ trí thức của tỉnh không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 1.638 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, đơn vị khối Đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy; 9.166 người công tác tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp.
Với sự quan tâm hoàn thiện môi trường và điều kiện làm việc, sự động viên kịp thời của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã tạo được động lực to lớn thúc đẩy đội ngũ trí thức nỗ lực cống hiến. Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức có nhiều ý kiến đóng góp tích cực vào hoạch định phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong các hoạt động khoa học, công nghệ.
Đặc biệt, đội ngũ trí thức đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và được tỉnh phê duyệt 11 dự án đầu tư nhằm tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ. Đáng mừng là bằng kiến thức, năng lực công tác, đội ngũ trí thức đã nghiên cứu và đưa những đề tài khoa học đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Chẳng hạn như đề tài “biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây sâm Ngọc Linh” đã nghiên cứu xác định thành phần sâu bệnh hại; xác định các biện pháp và sản phẩm sinh học có hiệu lực cao để nâng cao tỷ lệ nảy mầm và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh trên vườn ươm, vườn sản xuất. Qua đề tài nghiên cứu đã áp dụng quy trình kỹ thuật phòng trừ tổng hợp đạt hiệu quả phòng trừ sâu, bệnh hại đạt >75% và đến nay được nhiều doanh nghiệp, người trồng sâm trên địa bàn tỉnh ứng dụng để bảo vệ, phát triển diện tích sâm Ngọc Linh.
Không chỉ thông qua các đề tài nghiên cứu cụ thể, các trí thức, cán bộ, công chức, viên chức với tình cảm trách nhiệm đã tự nguyện đến công tác ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ y bác sĩ đã tận tình khám chữa bệnh cứu người, đẩy lùi những hủ tục, những quan niệm sai lầm về bệnh tật; các thầy cô giáo đã mang ánh sáng tri thức cho lớp lớp thế hệ, nhờ có con chữ mà người dân ở các vùng khó từng bước thay đổi nhận thức, hành động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để có cuộc sống ngày càng ấm no hơn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các giai tầng trong xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức. Bởi vậy, điều quan trọng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho đội ngũ trí thức, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng đồng bào DTTS; quan tâm thu hút đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Nguyên Phúc