Với sự hỗ trợ của vũ khí phương Tây và kinh nghiệm thực chiến ngày càng tăng, lực lượng phòng không của Ukraine đã bắt đầu đạt được những bước tiến lớn, đồng thời ngăn Nga đạt được ưu thế trên không. Theo hãng tin AP, đây là một bước quan trọng trong bối cảnh cuộc phản công tiềm năng của Kyiv đang đến gần.
Kinh nghiệm thực chiến của Ukraine
Chuyên gia Ian Williams, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), nhận định hệ thống phòng thủ được củng cố từng bước của Ukraine đã ngăn chặn máy bay Nga tiến sâu vào phía sau tiền tuyến và “đã định hình rất nhiều về diễn biến của cuộc chiến”.
Báo cáo của lực lượng không quân Ukraine do AP trích dẫn trùng khớp với nhận định của ông Williams. Theo đó, kể từ ngày 28.4, Nga đã phóng tổng cộng 67 tên lửa và 114 máy bay không người lái vào Ukraine. Tuy nhiên, chỉ có 7 tên lửa và 11 máy bay không người lái vượt qua được hệ thống phòng không, và không có chiếc nào đánh trúng thủ đô Kyiv.
Đây được cho là một tiến bộ lớn mà quân đội Ukraine đạt được kể từ những ngày đầu của cuộc chiến, sau nhiều lần các đợt tên lửa và máy bay Nga vượt qua các tuyến phòng thủ và gây tổn thất nặng nề cho lực lượng không quân Kyiv.
Ukraine lộ điểm yếu phòng không, phương Tây gấp rút giúp khắc phục?
Tuần trước, các đơn vị của Kyiv cũng báo cáo rằng họ đã bắn hạ tên lửa bội siêu thanh tiên tiến nhất của Nga, loại vũ khí trước đây được Ukraine coi là không thể cản phá. Một khẩu đội Patriot do Mỹ sản xuất mới mua được cho là đã góp phần vào chiến tích này. Mặc dù Nga chưa xác nhận thông tin, kết quả trên được cho là đã đúc kết từ những kinh nghiệm thu được từ giai đoạn trước đó của xung đột.
Vũ khí phương Tây
Một yếu tố khác giúp lực lượng không quân Ukraine ngày một hoàn thiện hơn chính là vũ khí từ Mỹ và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo tạp chí Forbes.
Theo AP, trước khi nhận được các hệ thống tên lửa phòng không từ phương Tây, 2 hệ thống chính được Ukraine sử dụng là hệ thống tầm xa S300 và tầm trung Buk thời Liên Xô.
Tuy nhiên, bước ngoặt với hệ thống phòng không Ukraine được cho là xuất hiện vào tháng 10 và 11.2022. Khi đó, các vũ khí thời Liên Xô dần được Ukraine sử dụng kết hợp với các hệ thống mới từ các đồng minh phương Tây, bao gồm tên lửa tầm trung IRIS-T từ Đức và NASAMS (Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến Na Uy) do Mỹ và Na Uy chế tạo.
Theo AP, sau khi nhận được các hệ thống nói trên, trong tháng 12.2022, Ukraine báo cáo đã đánh chặn khoảng 80% tên lửa hành trình của Nga.
Thực hư vụ Ukraine bắn rơi tên lửa bội siêu thanh Nga bằng Patriot
Ngoài ra, trong bối cảnh Nga tăng cường không kích, các lực lượng của Kyiv cũng nhận được các hệ thống phòng không SAMP/T từ châu Âu và tên lửa HAWK do Mỹ chế tạo. Đến tháng 4, Ukraine được viện trợ thêm 2 khẩu đội Patriot từ Mỹ. Cho đến nay, Kyiv vẫn tiếp tục thành công trong việc thuyết phục các đồng minh cung cấp thêm vũ khí phòng không. Mỹ hôm 8.5 đã công bố thêm 1,2 tỉ USD viện trợ quân sự dài hạn, bao gồm các hệ thống HAWK mới, máy bay không người lái và đạn phòng không.
Hiện các đội phòng không Ukraine được thiết lập với các phạm vi chồng chéo, kết hợp các tuyến phòng thủ ở phạm vi từ gần đến xa. Lý do là vì một lớp phòng không duy nhất sẽ không đủ để ngăn chặn tất cả cuộc không kích. “Bạn càng có nhiều lớp [phòng không], bạn càng có nhiều cơ hội”, theo ông Douglas Barrie, chuyên gia hàng không vũ trụ quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh).