Kính thưa đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;
Kính thưa GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương;
Kính thưa GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương;
Kính thưa đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy;
Kính thưa các vị đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu dự Hội thảo!
Nam Định là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, với hào khí Đông A. Trải qua lịch sử 762 năm xây dựng và phát triển, vùng đất Thiên Trường – Nam Định đã xây đắp, gìn giữ và lưu truyền những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa đậm đà, hun đúc nên truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cùng ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển, vươn lên mãnh mẽ.
Kể từ ngày thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Nam Định vào 19-6-1929 (sau này là Đảng bộ tỉnh Nam Định), trong mỗi bước đường cách mạng, Đảng bộ, quê hương và người dân Nam Định rất đỗi tự hào vì được Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc và nhân loại dành tình cảm, sự quan tâm sâu nặng. Bác đã có 5 lần về thăm Nam Định (vào các năm 1946, 1957, 1958, 1959, 1963) trực tiếp nói chuyện với tập thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà; nhiều lần gửi thư, điện, viết bài biểu dương, khen ngợi tập thể, cá nhân ở Nam Định lập được thành tích trên các lĩnh vực; biểu dương tinh thần dũng cảm và khí thế sôi sục cách mạng của quần chúng; theo dõi quan tâm từng bước trưởng thành của Đảng bộ, nhân dân và góp nhiều ý kiến để hướng dẫn, uốn nắn phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định.
Đặc biệt ngày 21-5-1963, Bác về dự và huấn thị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V, đây là một sự kiện đặc biệt đối với Đảng bộ và nhân dân Nam Định. Trong lời huấn thị của Người tại Đại hội với tình cảm thân ái, bao dung, Bác đã chỉ ra nhiều vấn đề sâu sắc và toàn diện, trên nhiều lĩnh vực. Những chỉ bảo của Bác không chỉ có giá trị thời sự ở thời điểm hiện tại mà đến nay, đó vẫn là ánh sáng soi đường, chỉ lối, nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên và quân dân Nam Định phát huy truyền thống, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
Trân trọng và phát huy những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong 60 năm thực hiện lời Bác dạy, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, sự giúp đỡ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội thảo “Nam Định 60 năm thực hiện lời dạy của Bác”.
Hội thảo là diễn đàn để tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử của lời dạy của Bác tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V. Qua đó, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nam Định đối với công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà hiện nay.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học đánh giá nghiêm túc, thẳng thắn kết quả việc thực hiện 60 năm lời dạy của Bác tại tỉnh Nam Định.
Hội thảo cũng góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp; phát huy truyền thống đoàn kết, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của địa phương để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nam Định trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, kết quả của Hội thảo sẽ là nguồn tài liệu xác thực, củng cố niềm tin chính trị và cung cấp luận cứ khoa học giúp tham mưu cho tỉnh trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội; là nguồn tài liệu tham khảo phục vụ trực tiếp cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh nhà.
Với mục đích nêu trên, tại Hội thảo này, tôi đề nghị các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và quý vị đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, làm rõ giá trị lý luận và thực tiễn lời dạy của Bác tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V.
Tại Đại hội, Người đã chỉ ra những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quản lý kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…
Đối với lĩnh vực kinh tế: Người chỉ ra cho chúng ta cần phải chú trọng xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã, làm thủy lợi và cần phải quan tâm đến việc cải tiến kỹ thuật canh tác, cải tiến công cụ lao động và công tác quản lý; cần nâng cao tinh thần trách nhiệm tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật và chống tham ô, lãng phí, quan liêu; phát huy cao độ nguồn lực từ nhân dân phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Về giao thông của tỉnh ta còn phát triển chưa toàn diện, cần phải có những kế hoạch để xây dựng và phát triển giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội và các lĩnh vực khác: Người nhắc nhở Đảng bộ tỉnh Nam Định cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng cho học sinh, bởi đây là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và đào tạo những con người xã hội chủ nghĩa. Nam Định là tỉnh có số lượng đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo rất lớn, vì thế cần phải thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết những người có đạo và không có đạo, đoàn kết Lương – Giáo để tạo sự đồng thuận, sức mạnh to lớn trong nhân dân thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phải “thật thà tự phê bình và phê bình”, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đồng thời, phải đổi mới sinh hoạt chi bộ để xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh, chú trọng đến công tác giáo dục đảng viên. Đặc biệt, Người căn dặn, phải thật sự đoàn kết trong Tỉnh ủy, bởi đây là hạt nhân lãnh đạo, nếu trong Tỉnh ủy mà kém đoàn kết thì không thể đoàn kết được đảng viên và nhân dân và như vậy sẽ không thể huy động được sức mạnh tổng hợp từ quần chúng nhân dân, không thể thực hiện được mục tiêu cách mạng đề ra.
Thứ hai, khẳng định và làm sâu sắc hơn ý nghĩa của những lời dạy của Bác qua thực tiễn 60 năm học tập và làm theo lời Bác tại tỉnh Nam Định.
60 năm sau ngày Bác Hồ về thăm Nam Định, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và gần 30 năm tái lập tỉnh, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, quân và dân Nam Định không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và đang ra sức phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Hiện nay, kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thường xuyên được nâng lên; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Tổng sản phẩm GRDP trong những năm gần đây tăng bình quân khoảng 7,5%/năm, nhất là năm 2022 tăng 9,07% cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế đó từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản (năm 2022: Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 80,61%; Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 19,39%). Quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2022: GRDP (giá hiện hành) đạt gần 92,0 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt gần 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 16,5% so với năm 2021; tổng giá trị hàng xuất khẩu vượt mốc 3 tỷ USD,…
Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu mới. Giáo dục và đào tạo duy trì thành tích 28 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước, trong 08 năm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì có 6 năm đứng thứ nhất, 2 năm đứng thứ hai về điểm trung bình các môn thi. An sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện thường xuyên và nền nếp. Số lượng đảng viên chiếm trên 6% dân số Nam Định. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 89,4%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 87,85%.
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, với phương châm: Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Đổi mới – Phát triển, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định mục tiêu tổng quát là: “Tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững… Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”. Từ việc xác định mục tiêu tổng quát và những nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đã phản ánh sự tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác của Tỉnh ủy Nam Định.
Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận đầy tâm huyết, trách nhiệm với nội dung của Hội thảo. Chúng tôi trân trọng cảm ơn các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã viết bài cho Hội thảo. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng mong muốn và kính đề nghị các đại biểu, các thành viên tham dự Hội thảo thẳng thắn trao đổi trên tinh thần khoa học, tìm kiếm cách thức tiếp cận mới, khai thác tối đa, cơ bản và tập trung nhất để làm sáng tỏ hơn những nội dung nêu trên.
Với tinh thần cầu thị, Ban Tổ chức Hội thảo hết sức cố gắng tuyển chọn một cách đầy đủ nhất những công trình của các tác giả gửi về, tập hợp thành Kỷ yếu Hội thảo.
Thay mặt Ban Tổ chức, một lần nữa, xin chân thành cảm ơn các vị đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ cho Hội thảo! Xin kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!