Trong báo cáo gửi Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công ty Toyota Việt Nam – doanh nghiệp FDI lớn của địa phương – có sản lượng quý I/2023 giảm 37%, tương đương giảm 2.802 xe so với quý I/2022. Doanh số bán giảm 24% tương đương giảm 1.760 xe, mức tồn kho tăng 347% tương đương tăng 1.931 xe.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương giữa tuần này, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách phát triển công nghiệp ôtô, xe máy.
Trước mắt xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, sản xuất xe trong nước.
Dẫn chứng từ nhà máy ô tô đặt trên địa bàn là Công ty CP Tập đoàn Thành Công, UBND tỉnh Ninh Bình, trong văn bản gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành cũng phản ánh, việc sản xuất và tiêu thụ ô tô của Thành Công bị sụt giảm lớn: Tháng 1/2023 sản lượng tiêu thụ chỉ đạt gần 3.000 xe, giảm 4.939 xe (tương đương 62,5%) so với tháng 1/2021 và giảm hơn 3.700 xe (tương đương 55,8%) so với tháng 1/2022.
Do đó, tỉnh Ninh Bình đề xuất tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xe ô tô. Trong đó, có giải pháp giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian phù hợp.
Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số hiệp hội đã kiến nghị lùi thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2023 và giảm 50% lệ phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Lý do là từ cuối quý IV/2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp. Doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1/2023 giảm tới 60% so với tháng 12/2022 và chỉ bằng 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê của VAMA, tổng sản lượng bán hàng cộng dồn quý I/2023 của các hãng thành viên đều có mức giảm sâu. Theo đó, Thaco KIA chỉ đạt 8.600 chiếc, giảm đến 49%, Mitsubishi giảm 21%, Suzuki giảm 29%, Mazda giảm 25%, Toyota Việt Nam giảm 37%… so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng nêu thực trạng tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính ngày 25/4, Bộ Công Thương cho biết: Tính chung ba tháng đầu năm 2023, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 77.090 xe, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng: Việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn.
Theo Bộ Công Thương, có thể cân nhắc thời gian áp dụng chính sách này đến hết năm 2023.
Tuy nhiên, với quan điểm ngược lại, Bộ Tài chính cho rằng, nếu tiếp tục giảm 50% mức lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, như WTO.
Hơn nữa, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/4, Bộ Tài chính lưu ý việc tiếp tục giảm thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, ngoài việc làm giảm thu ngân sách nhà nước còn ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.
Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án.
Phương án 1: Giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Phương án này làm giảm thu NSNN khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng (thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu do đã điều chỉnh chính sách là 8.727 tỷ đồng).
Phương án 2: Giảm 50% mức thu LPTB đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Phương án này làm giảm thu NSNN khoảng 15-16 nghìn tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, số thu LPTB đối với ô tô chiếm khoảng 70% tổng số thu LPTB (tổng số thu LPTB đối với ô tô năm 2021 là 27.318 tỷ đồng, chiếm 72% tổng số thu LPTB và năm 2022 là 32.398 tỷ đồng, chiếm 68% tổng số thu LPTB).