Hạ nghị sỹ McCarthy nhấn mạnh việc dời lại cuộc họp không phải là dấu hiệu cho thấy đàm phán gặp trở ngại, nhưng ông tin rằng các nhà đàm phán cần tiếp tục nói chuyện trước khi lãnh đạo gặp lại nhau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa dự kiến diễn ra vào ngày 12/5 để đưa ra giải pháp cho vấn đề trần nợ sẽ được lui lại sang tuần sau.
Phát ngôn viên Nhà Trắng ngày 11/5 thông báo các lãnh đạo nhánh hành pháp và lập pháp đã đồng ý dời cuộc họp đến một thời điểm không xác định vào tuần tới.
Phát biểu với các phóng viên, Hạ nghị sỹ McCarthy nhấn mạnh việc dời lại cuộc họp không phải là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán gặp trở ngại, nhưng ông tin rằng các nhà đàm phán cần tiếp tục nói chuyện trước khi lãnh đạo gặp lại nhau.
Ông giải thích: “Tôi không nghĩ có đủ những khai thông để các nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau,” đồng thời cho biết một trong những thành viên của Quốc hội không thể tham gia cuộc họp vào ngày 12/5.
Đồng thời, ông Kevin McCarthy cũng cáo buộc các nghị sỹ đảng Dân chủ, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer là người đã kìm giữ thỏa thuận.
Chia sẻ với báo giới sau khi Nhà Trắng thông bão hoãn họp, ông Kevin McCarthy chỉ trích: “Tổng thống Biden và Thượng nghị sỹ Schumer đang bế tắc, họ không có kế hoạch, không có khoản tiết kiệm được đề xuất.”
Ông cho biết thêm trong 2 ngày qua, nhóm công tác của hai bên đã gặp nhau, và ông cho rằng việc hai bên xúc tiến các cuộc gặp tiếp theo phát đi tinh thần xây dựng giữa hai bên.
Theo 2 nguồn tin, Nhà Trắng có thể phải chấp nhận một số cắt giảm chi tiêu hoặc giới hạn nghiêm ngặt đối với chi tiêu trong tương lai nếu muốn đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, phía hành pháp nhấn mạnh phải tiếp tục duy trì ngân sách cho chính sách chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden, vốn đã được Quốc hội thông qua vào năm ngoái.
Dự luật của phía Cộng hòa tại Hạ viện muốn cắt giảm chi tiêu của chính phủ xuống mức năm 2022, hạn chế chi tiêu trong tương lai dưới mức lạm phát và bãi bỏ các ưu đãi đối với công nghệ năng lượng tái tạo, xe điện và phát triển kỹ thuật bảo vệ khí hậu khác, vốn được thông qua trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden.
Các nguồn tin cho biết hai bên cũng đang tranh luận về việc kéo dài thời gian áp dụng trần nợ mới tiếp theo.
Tổng thống Biden và đảng Dân chủ muốn thời hạn kéo dài 2 năm để không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và để đạt được điều này, có thể họ phải chấp nhận mức cắt giảm chi tiêu lớn hơn để có thêm thời gian.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Mỹ ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV ngày 11/5 nhấn mạnh: “Trần nợ có thể là một thảm họa.”
Ông nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của vấn đề này khi hệ thống tài chính của Mỹ là nền tảng của hệ thống kinh tế toàn cầu và ông hy vọng Mỹ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ không trả nợ. Giám đốc truyền thông IMF kêu gọi các bên khẩn trương giải quyết vấn đề.
Về kỹ thuật, nợ công của Mỹ đã chạm trần vào tháng 1/2023 với khoản nợ lên tới 31.400 tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ tại thời điểm đó đã phải thực hiện “các biện pháp đặc biệt” nhằm đảm bảo chính quyền liên bang có thể duy trì việc chi trả các hoạt động của chính phủ.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hối thúc Quốc hội nước này nâng trần nợ liên bang hiện ở mức 31.400 tỷ USD, qua đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/hoan-cuoc-hop-giua-tong-thong-my-va-chu-tich-ha-vien-ve-tran-no-cong/862099.vnp