(Dân trí) – Không chỉ thể hiện sự tinh tế, cầu kỳ trong cách chuẩn bị, bữa ăn truyền thống Osechi Ryori còn bày tỏ nguyện vọng của người Nhật về một năm mới may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.
Nếu các quốc gia phương Tây lựa chọn ngày đầu tiên của năm mới để nghỉ ngơi thì người Nhật Bản lại tận dụng thời điểm này tụ họp gia đình, ghé thăm đền chùa và thưởng thức món ăn nổi tiếng Osechi Ryori.
Nhằm tôn lên sự đặc biệt và trang trọng của bữa ăn truyền thống Osechi Ryori, người dân xứ sở hoa anh đào còn khéo léo thiết kế riêng một chiếc hộp sơn mài có tên Jubako (hộp xếp tầng) để bài trí từng món ăn đẹp mắt, phù hợp với không khí đặc biệt của dịp Tết.
Bữa ăn truyền thống Osechi Ryori là gì?
Osechi Ryori là tên gọi của bữa cơm truyền thống được thưởng thức vào ngày 1/1 hàng năm tại Nhật Bản. Các món ăn này thường được chuẩn bị từ trước ngày lễ Shogatsu (ngày đầu năm mới ở Nhật Bản) và bày trong hộp sơn mài sang trọng với ý nghĩa cầu chúc những điều tốt lành, trường thọ và may mắn.
Truyền thống Osechi bắt nguồn từ thời Heian (794-1185), khi người dân dâng cúng các món ăn lên các vị thần vào ngày Sechinichi – những ngày chuyển giao mùa quan trọng trong năm.
Trong đó, ngày quan trọng nhất là ngày đầu năm mới, khi những món ăn đặc biệt được dâng lên thần linh và giới quý tộc thời bấy giờ cũng thưởng thức.
Qua nhiều thế kỷ, phong tục này lan rộng ra khắp cả nước. Đến thời Edo (1603-1868), Osechi đã trở thành truyền thống phổ biến. Đặc biệt, quan niệm tránh làm việc trong những ngày đầu năm cũng ảnh hưởng đến cách chế biến mâm cơm truyền thống này.
Mỗi món trong mâm cỗ truyền thống Osechi Ryori thường được chế biến kỹ lưỡng để có thể bảo quản lâu (khoảng 3 ngày). Đây trở thành sự lựa chọn lý tưởng, giúp người phụ nữ Nhật Bản tận hưởng kỳ nghỉ mà không lo lắng về việc nấu nướng phức tạp.
Ban đầu, Osechi chỉ gồm các loại rau củ luộc với nước tương và giấm. Theo thời gian, nhiều món ăn phong phú hơn được thêm vào và mang ý nghĩa đặc biệt dựa trên tên gọi, hình dáng hoặc đặc tính riêng của chúng.
Ngày nay, một số gia đình vẫn duy trì việc tự tay chuẩn bị Osechi, nhưng không ít người lựa chọn đặt mua tại các cửa hàng bách hóa hoặc siêu thị tiện lợi. Những hộp cơm truyền thống đẹp mắt này thường có giá khá cao, dao động khoảng 20-50 triệu đồng.
Một số món ăn đặc trưng xuất hiện trong bữa cơm truyền thống Osechi Ryori:
Trong tiếng Nhật, Kuromame có nghĩa là đậu đen. Đây là món ăn kèm phổ biến, nhất định phải có trong mâm cơm truyền thống ngày Tết của Nhật Bản.
Đậu đen vốn tượng trưng cho sức khỏe dồi dào. Người dân xứ sở hoa anh đào tin rằng, ai thưởng thức món ăn này sẽ có đủ năng lượng và sức bền để làm việc chăm chỉ suốt cả năm.
Món trứng cuộn Datemaki được làm từ hỗn hợp trứng đánh tan, tôm nghiền nhuyễn hoặc hanpen (một loại chả cá Nhật Bản). Điều thú vị là món ăn này được cuộn thành hình dáng giống như cuốn thư, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự học hỏi và tri thức.
Món trứng cá trích (Kazunoko) với hàng nghìn quả trứng nhỏ tượng trưng cho sự đông con nhiều cháu. Trong tiếng Nhật, “Kazu” có nghĩa là số lượng và “ko” là trẻ em, thể hiện lời chúc cho gia đình thịnh vượng, đông vui trong năm mới.
Kohaku Kamaboko là một loại chả cá hấp phổ biến tại Nhật Bản. Món ăn này được làm từ thịt cá trắng xay nhuyễn và nặn thành hai màu đỏ – trắng.
Tên gọi Kohaku mang nghĩa là đỏ và trắng. Đây là hai màu sắc đại diện cho đất nước Nhật Bản, dễ dàng nhận thấy trên quốc kỳ của xứ sở hoa anh đào.
Thú vị hơn, Kohaku Uta Gassen – chương trình ca nhạc nổi tiếng được phát sóng vào đêm giao thừa tại Nhật Bản – cũng mang tên gọi này.
Trong văn hóa Nhật Bản, tôm mang ý nghĩa đặc biệt nhờ cách viết được hiểu là “ông lớn của biển cả”. Hình ảnh lưng cong và râu dài của tôm thể hiện dáng vẻ của người cao tuổi.
Vì vậy, tôm trong mâm cỗ Osechi Ryori còn tượng trưng cho sự trường thọ. Món ăn này gửi gắm lời chúc sống lâu trăm tuổi, sức khỏe dồi dào.
Bí mật trong hộp sơn mài “mang lộc” của người Nhật
Không chỉ đặc sắc bởi hương vị, Osechi Ryori còn gây ấn tượng với cách bài trí tinh tế trong hộp sơn mài có tên là Jubako (hộp xếp tầng). Đây là loại hộp truyền thống được sử dụng trong các dịp lễ kỷ niệm tại Nhật Bản. Jubako được thiết kế với nhiều tầng (thường là 3 hoặc 5 tầng), mang ý nghĩa biểu tượng và trang trọng.
Tầng đầu tiên được gọi là Iwaizakana và Kuchidori. Đây là tầng khai vị gồm các món ăn phù hợp với rượu sake, mang đậm tinh thần lễ hội. Các món phổ biến gồm Kuromame (đậu đen), Kazunoko (trứng cá trích ướp nước tương), Kouhaku-kamaboko (chả cá đỏ trắng), Kuri-kinton (kẹo hạt dẻ và khoai lang) và Tazukuri (cá cơm phủ nước sốt mặn ngọt).
Tầng thứ hai chứa Yakimono (các món nướng) là phần chính của bữa tiệc năm mới. Các món thường thấy gồm cá tráp nướng, tôm nướng, thịt bò nướng hoặc vịt quay.
Tầng thứ 3 là nơi dành cho Sunomono (đồ ăn trộn giấm). Các món phổ biến gồm Kouhaku-namasu (củ cải trắng và cà rốt ngâm), Surenkon (rễ sen ngâm giấm) hoặc các loại dưa chua, rau ướp.
Tầng thứ 4 chứa Nimono (các món hầm). Đây là sự kết hợp của các loại rau củ ninh với nước tương, mirin, rượu sake hoặc đôi khi là các món mang phong cách châu Âu.
Tầng thứ 5 thường để trống, được gọi là Hikaeno-ju. Nó tượng trưng cho mong muốn phát triển và thịnh vượng trong tương lai.
Việc sắp xếp các món ăn trong hộp Jubako để chuẩn bị Osechi Ryori cũng tuân theo một số nguyên tắc truyền thống, mang đậm ý nghĩa văn hóa Nhật Bản.
Đầu tiên, số lượng đĩa được đặt ở tầng thứ nhất phải là 3, 5, 7 hoặc 9. Những con số lẻ này được coi là may mắn, vì số chẵn chia hết cho hai mang ý nghĩa “tạm biệt” hoặc “thất bại”, không thích hợp cho dịp lễ hội.
Ngoài ra, người Nhật còn có thêm khái niệm sắp xếp có tên là Ukou-Sahaku (màu đỏ phải, màu trắng trái) cho các dịp lễ kỷ niệm quan trọng.
Những món ăn có màu sắc rực rỡ như tôm đỏ hoặc thịt được đặt ở bên phải. Trong khi các món nhẹ nhàng, đơn giản hơn như Kamaboko (bánh cá đỏ và trắng) sẽ xếp màu đỏ bên phải và màu trắng bên trái.
Khi lấp đầy hộp Jubako, những món ăn nặng hoặc có hình dáng rắn nên được đặt trước. Điều này sẽ giúp quá trình đóng gói trở nên dễ dàng, đẹp mắt hơn.
Ảnh: Tokyoweekender
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/tet-2025/co-gi-dac-biet-ben-trong-mam-co-tet-gia-50-trieu-dong-cua-nguoi-nhat-20250109231156031.htm