Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện những hiện tượng không đúng chuẩn mực, làm sai lệch di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa, di sản cũng như các nghệ nhân uy tín, gắn bó lâu năm với di sản đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có những không gian, hoạt động thực hành chuẩn mực, góp phần tôn vinh giá trị di sản.
Hiểu đúng để thực hành đúng di sản
Trong đời sống tâm linh của người Việt, Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ là một di sản có giá trị văn hóa, tinh thần vô giá. Từ thế kỷ XVI, di sản này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người Việt.
Năm 2016, di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau dấu mốc quan trọng này, cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể: “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo…”.
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản văn hoá, đồng thời có nhiều biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản trong đời sống đương đại, trong đó có việc tổ chức nghiên cứu khoa học; thực hành và trình diễn di sản; các chương trình giảng dạy; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân, các thủ nhang, đồng đền tiêu biểu.
Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng nhằm bảo vệ di sản, đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc tạo nên những biến tướng, sai lệch, đặc biệt là đẩy lùi thực trạng thương mại hóa các nghi lễ liên quan đến những giá trị bản sắc, truyền thống của di sản.
Đau đáu với việc bảo tồn, phát huy di sản theo đúng nguyên gốc, chuẩn mực, NNƯT Nguyễn Thị Thìn (Chủ tịch Hội đồng bảo trợ UNESCO, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng dân gian Việt Nam) cũng là người đã thực hành nghi lễ Thờ Mẫu Tam Phủ hơn 60 năm qua.
Đảm trách vai trò Thủ nhang Đền Thuỷ Trung Tiên- ngôi đền cổ hơn 1000 năm tuổi, có vị trí đắc địa trong quần thể di tích đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), NNƯT Nguyễn Thị Thìn bày tỏ, bà luôn mong muốn nơi đây trở thành một điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh chuẩn mực.
“Gia đình tôi nhiều người thực hành Đạo Mẫu từ hàng chục năm qua. Bản thân tham gia các hoạt động của Viện nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tôi hiểu được giá trị của việc bảo vệ, giới thiệu di tích đến với du khách cũng như trách nhiệm bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu đúng về giá trị của di sản.
Chỉ khi chúng ta hiểu đúng thì mới thực hành đúng, góp phần lan toả và phát triển di sản trong đời sống đương đại”, NNƯT Nguyễn Thị Thìn chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Dương (Thái Bình) cho biết: “NNƯT Nguyễn Thị Thìn là người luôn chú trọng giữ gìn những lề lối, chuẩn mực của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ từ xa xưa. Lớp đệ tử chúng tôi cũng trải qua khó khăn, vất vả để thực hành và giữ gìn trọn vẹn giá trị di sản.
Trong quá trình thực hành di sản, chúng tôi cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu sách chữ nho từ thời Nguyễn để hiểu thêm về lề lối, niêm luật trong nghi lễ diễn xướng, với mong muốn kế thừa, phát huy và lan toả di sản trong đời sống cộng đồng”.
Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như: trang phục, âm nhạc, hát văn, múa, diễn xướng dân gian…, người Việt thông qua loại hình di sản văn hóa phi vật thể giá trị này để thể hiện những thông điệp về truyền thống yêu nước, tinh thần uống nước nhớ nguồn, khát vọng hòa bình, thịnh vượng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.
Thanh đồng trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền (Long Biên, Hà Nội) đã có 8 năm thực hành di sản cho biết: “Là một thanh đồng trẻ tuổi, tôi nghĩ rằng điều đầu tiên khi thực hành đạo Mẫu là cần tiếp cận, tiếp thu kinh nghiệm từ các đồng thầy uy tín, có trình độ hiểu biết về lịch sử, văn hoá, về thực hành diễn xướng, hiểu được lề lối và phép tắc của di sản để thực hành cho chuẩn mực”.
Cùng với việc bảo tồn thì điều cần thiết là phát huy giá trị di sản trong cộng đồng, từ đó, thực hành di sản sẽ thúc đẩy tăng cường đối thoại và sự tôn trọng đa dạng văn hóa. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO ghi danh trong đời sống đương đại.
Bà Trần Kim Chi (Hà Nội), người mê hát văn cổ chia sẻ: “Khi nghe hát văn tôi có thể nghe cả ngày được. Tôi yêu hát văn và yêu nghệ thuật diễn xướng hầu đồng trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ. Bởi đó là di sản văn hóa có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Việt”.
Bảo vệ di sản ở ngôi đền cổ
Đền Thủy Trung Tiên- ngôi đền cổ hơn 1000 năm tuổi từ xa xưa đã gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, có tên gọi là đền Cẩu Nhi.
Trải qua bao biến thiên lịch sử, đền cũng hư hại nhiều. Với mong muốn khôi phục lại vẻ đẹp của ngôi đền, người dân và Quận Ba Đình đã kiến nghị được tu sửa. Năm 2014, dự án được phê duyệt và đến đầu năm 2015, dự án được triển khai. Sau 2 năm, đền được khánh thành vào ngày 20.8.2017, lấy tên là Thủy Trung Tiên Từ và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố.
Nằm trong quần thể di tích đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, đền Thuỷ Trung Tiên thu hút khách thập phương đến tham quan và trải nghiệm quần thể thắng cảnh Hồ Tây – Trúc Bạch.
Hoạ sĩ Hải Trương, người từng gắn bó với các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích cho biết: “Có lẽ những người Hà Nội xưa đều biết đến cái tên Đền Cẩu Nhi. Đền nhỏ nằm khiêm nhường ở một góc đảo trên hồ Trúc Bạch, nay đã được tôn tạo lấy tên Thuỷ Trung Tiên, nhưng Đền vẫn tạo cho mọi người cảm giác gần gũi, thân quen bởi quá trình trùng tu vẫn lưu giữ những nét xưa…”.
Sống ở quận Ba Đình, bà Trần Kim Chi cho biết: “Ngôi đền gắn liền với đền Quan Thánh và Chùa Trấn Quốc nên du khách khi đến Hà Nội bao giờ cũng đến ngôi đền này. Ngôi đền tọa lạc trên đảo giữa hồ Trúc Bạch, với nét đẹp và dáng vẻ cổ kính, rất có sức thu hút”.
Không chỉ có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nơi đây còn là một không gian lý tưởng, chuẩn mực để những giá trị di sản văn hóa phi vật thể lâu đời của người Việt được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Tâm niệm này được thủ nhang ngôi đền, NNƯT Nguyễn Thị Thìn luôn ấp ủ, với mong muốn những nét đẹp truyền thống trong vốn quý di sản mà cha ông để lại, trong đó có di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt sẽ luôn được bảo vệ, phát huy và lan tỏa.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/bao-ton-phat-huy-gia-tri-chuan-muc-trong-thuc-hanh-di-san-tin-nguong-tho-mau-109942.html