NDO – Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương vừa quyết định công nhận thêm 28 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Trong đó, nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm dược liệu có 2 sản phẩm, nhóm du lịch có 2 sản phẩm, nhóm đồ uống có 2 sản phẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ có 1 sản phẩm.
Trưng bày các sản phẩm OCOP được công nhận 5 sao. |
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đến hết năm 2024, cả nước đã có 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 73,2% sản phẩm 3 sao, 23,5% sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Có 8.086 chủ thể OCOP, trong đó có 32,7% là HTX, 24,1% là doanh nghiệp nhỏ, 42,7% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Trong 52 hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng OCOP 5 sao của các tỉnh, thành phố thì có 28 sản phẩm được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương công nhận OCOP 5 sao. Trong đó, có 21 sản phẩm nhóm thực phẩm gồm: Chè đinh của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, tỉnh Thái Nguyên; Trà hoa vàng Ba Chẽ của Công ty cổ phần kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh, tỉnh Quảng Ninh; Chè búp tím Thanh Ba của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Trà UT, tỉnh Phú Thọ; Mỳ gạo sạch sinh ra từ làng Hùng Lô của Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô, tỉnh Phú Thọ; Măng chua thái sẵn của Công ty CP Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; Măng nứa khô nấu ngay của Công ty CP Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; Nước mắm Lê Gia của Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia, tỉnh Thanh Hóa; Cà phê Khe Sanh của hợp tác xã nông sản Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị; Bánh dừa nướng Quý Thu của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quý Thu, tỉnh Quảng Nam; Rong nho tách nước Trí Tín của Công ty TNHH Trí Tín, tỉnh Khánh Hòa; Mật ong Phương Di của Hợp tác xã Mật ong Phương Di Bee, tỉnh Gia Lai; Hạt Mắcca Đăk Lăk cao cấp của Công ty CP DAMACA Nguyên Phương, tỉnh Đắk Lắk; Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường, tỉnh Đắk Lắk; Bánh tráng siêu mỏng của Công ty TNHH Tân Nhiên, tỉnh Tây Ninh; Mật thốt nốt sệt của Công ty cổ phần Palmania, tỉnh An Giang; Mật thốt nốt hạt của Công ty cổ phần Palmania, tỉnh An Giang; Mật thốt nốt bột của Công ty cổ phần Palmania, tỉnh An Giang; Trà trái mãng cầu xiêm của Công ty TNHH Travipha, tỉnh Tiền Giang; Cá thát lát rút xương tẩm gia vị Kỳ Như của Hợp tác xã Kỳ Như, tỉnh Hậu Giang; Khoai lang tím sấy của Công ty TNHH Đông Phát Food, tỉnh Vĩnh Long; Sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty TNHH Sáu Ri, tỉnh Vĩnh Long.
Nhóm Đồ uống có 2 sản phẩm là Rượu SNOR’S WINE của Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, tỉnh Hậu Giang; Rượu lão tửu đông trùng hạ thảo Út Tây của Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, tỉnh Hậu Giang.
Nhóm Dược liệu và sản phẩm từ dược liệu có 2 sản phẩm là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe cao cà gai leo của Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân, tỉnh Quảng Trị; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe SAPHRATON của Công ty TNHH Sâm Sâm, tỉnh Quảng Nam.
Nhóm Thủ công mỹ nghệ có 1 sản phẩm là Nhóm đèn bàn mây tre của Công ty TNHH Đức Phong, tỉnh Nghệ An.
Nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch có 2 sản phẩm là Du lịch văn hóa dân tộc Tày Bản làng Thái Hải của Công ty TNHH Thái Hải Thái Nguyên; Ecohost Hải Hậu của Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Ecohost (Chi nhánh Hải Hậu).
Các sản phẩm OCOP được trưng bày. |
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm và TMDV Lê Gia, chia sẻ: Với chúng tôi OCOP 5 sao quốc gia không chỉ là một danh hiệu, chứng nhận mà nó còn là biểu tượng cho những giá trị tốt đẹp của một sản phẩm gắn liền sinh kế của một cộng đồng, gắn liền chuỗi giá trị nông thôn và chúng tôi không xem rằng việc đó là một danh hiệu mà đó là chứng nhận cho những nỗ lực, đam mê theo đuổi khát vọng. Sứ mệnh của Lê Gia là cùng với quê hương đẹp lên, lan tỏa giá trị của một thành tố thúc đẩy chuỗi giá trị của ngư dân, diêm dân và những người lao động tại làng chài và mang văn hóa ẩm thực của cha ông đi ra thế giới.
Còn theo Giám đốc công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Ecohost Bùi Thị Nhàn, việc được công nhận OCOP 5 sao thể hiện sự ghi nhận đối với những nỗ lực của công ty trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Công ty hướng tới việc khách sẽ được trải nghiệm về cơ sở lưu trú tốt, đời sống văn hóa, phong tục tập quán và các sắc màu của người bản địa. Bên cạnh đó, công ty có cả hỗ trợ cộng đồng tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Các sản phẩm OCOP được trưng bày |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, các sản phẩm được sản xuất, chế biến gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương; có bao bì mẫu mã đẹp, phù hợp với đặc điểm của sản phẩm, khai thác được các giá trị văn hóa, có năng lực phát triển thị trường. Trong thời gian tới, các chủ thể tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, các chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm gắn với các lợi thế, giá trị và bản sắc của địa phương. Chú trọng và quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.