Đói nghèo khiến nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc tái cam kết mạnh mẽ hơn nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững trước thời hạn năm 2030, trong bối cảnh hơn một nửa các quốc gia đang tụt lại phía sau vào giai đoạn giữa của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra, dù 12% trong số 169 tiêu chí của các Mục tiêu Phát triển Bền vững đang được thực hiện đúng định hướng, tiến độ đạt được ở 50% các tiêu chí vẫn ở mức yếu và không đầy đủ. Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, tiến độ triển khai đình trệ hoặc thậm chí bị đảo ngược đối với hơn 30% các tiêu chí là điều tồi tệ nhất.
Tổng Thư ký Guterres nhận định, cuộc khủng hoảng địa chính trị đa chiều và “bộ ba khủng hoảng” về khí hậu, đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường hiện nay ngày càng làm gia tăng bất bình đẳng trên thế giới và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là đối với nhóm các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất.
Các nghiên cứu cho thấy, số người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực đã cao hơn so với bốn năm trước, cùng với đó, nạn đói tiếp tục gia tăng và hiện đã quay trở lại mức của năm 2005, trong khi chỉ số bất bình đẳng cũng ở mức cao kỷ lục và lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu còn tăng.
Lưu ý rằng nhiều nước đang phát triển chưa thể đầu tư mạnh mẽ cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững do gánh nặng nợ nần, trong khi các khoản tài chính hỗ trợ hành động khí hậu còn thấp hơn nhiều so với các cam kết, người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra, các quốc gia phát triển vẫn chưa thực hiện đầy đủ lời hứa hỗ trợ 100 tỷ USD hằng năm, bên cạnh nhiều cam kết khí hậu khác. Hai khuyến nghị chính trong báo cáo của Liên hợp quốc gồm kêu gọi các nước G20 nhanh chóng đưa ra một gói kích thích tài chính, thúc đẩy tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững trị giá ít nhất 500 tỷ USD mỗi năm và tiến tới cải tổ cấu trúc hệ thống tài chính quốc tế.
Báo cáo của Liên hợp quốc đề ra một số biện pháp cụ thể nhằm tăng cường nguồn tài chính dài hạn và ưu đãi cho tất cả các quốc gia để phát triển bền vững hơn, bao gồm hỗ trợ đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa trong giải quyết các vấn đề cấp bách, song vẫn bảo đảm các mục tiêu dài hạn; thúc đẩy quản lý nợ bền vững và giải quyết các vấn đề về cấu trúc nợ quốc gia; dự trữ nguồn tài chính cho chuyển đổi công nghiệp bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu… Báo cáo khuyến nghị, bằng cách đặt nhu cầu của các nước đang phát triển làm trọng tâm, hệ thống tài chính quốc tế có thể bảo đảm lợi ích của toàn cầu hóa cho tất cả mọi người.
Báo cáo cũng đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng khác, như thiết lập và thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia để giảm nghèo và bất bình đẳng, mở rộng bảo trợ xã hội, giáo dục và hỗ trợ việc làm, thúc đẩy bình đẳng giới và hội nhập kỹ thuật số. Báo cáo đồng thời kêu gọi các quốc gia cam kết tăng tốc hành động về khí hậu, nhất là các nước phát triển cần cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu mới.
Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào tháng 9 tới. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, tiến bộ trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững không phải là những đường kẻ trên biểu đồ, mà là khi những bà mẹ và em bé khỏe mạnh, trẻ em học các kỹ năng để phát huy hết tiềm năng của mình, các quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo và có bầu không khí trong lành.