(LĐXH) – Với nhu cầu tiếp nhận khoảng 10.000 lao động mỗi năm, các chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ từ Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội làm việc tại Phần Lan.
Lao động Việt Nam được đánh giá cao
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen đánh giá, việc ký kết Bản ghi nhớ là một trong những giải pháp quan trọng giúp Phần Lan giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực do già hóa dân số.
Hiện ngày càng nhiều công ty của Phần Lan tuyển dụng lao động nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ nước này cũng cung cấp các dịch vụ công để hỗ trợ lao động nước ngoài hoạt động hiệu quả tại Phần Lan.
“Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với Phần Lan trong lĩnh vực lao động. Chúng tôi nhận thấy lao động Việt Nam có kỹ năng nghề tốt, khả năng tiếp cận công nghệ nhanh.
Các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam là những thị trường năng động, có thể cung cấp nguồn lao động chất lượng cho Phần Lan. Khoảng 50.000 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan, đóng góp tích cực củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia”, ông Satonen cho biết.
Mỗi năm, khoảng 10.000 – 15.000 lao động tại Phần Lan ra khỏi thị trường lao động nên nhu cầu lao động không ngừng gia tăng. Bộ trưởng Arto Olavi Satonen cho biết, trong 15 năm tới, Phần Lan dự kiến cần khoảng 1,3 triệu lao động.
Trước hết, trong năm 2025, quốc gia Bắc Âu này cần khoảng 2.000 nhân công trong các lĩnh vực hạ tầng, dịch vụ và thực phẩm, yêu cầu lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần khoảng 3.000 lao động với tiêu chí tuyển chọn khắt khe hơn là người lao động phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Phần Lan.
Ngành công nghiệp dự kiến cần 1.000 lao động, con số này sẽ gia tăng trong những năm tới khi nền kinh tế Phần Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghệ thông tin (IT) cũng cần khoảng 1.000 lao động…
Theo bà Johanna Jäkälä, Giám đốc Điều hành của Business Finland, Phần Lan đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng trong các lĩnh vực quan trọng như y tế, công nghệ và công nghiệp.
Ước tính trong giai đoạn 2030 – 2040, Phần Lan sẽ cần bổ sung khoảng 50.000 – 60.000 lao động có tay nghề mỗi năm. Điều này mở ra cơ hội hợp tác lao động đầy triển vọng giữa Việt Nam và Phần Lan.
“Phần Lan không chỉ tìm kiếm lao động trong ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng mà còn cần nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực y tế, kỹ thuật và công nghệ số. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp truyền thống như đóng tàu cũng đang khát nhân tài”, bà Johanna Jäkälä nhấn mạnh.
Để thu hút nhân tài, Phần Lan đã triển khai nhiều chương trình như chiến dịch “90-Day Finn” cho phép người tham gia trải nghiệm cuộc sống và công việc tại Phần Lan; tăng cường hợp tác với các trường đại học Việt Nam để đào tạo và chuẩn bị lực lượng lao động sẵn sàng cho thị trường quốc tế.
Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể với số lượng lao động xuất cảnh tăng dần qua các năm. Đồng thời, chất lượng lao động và uy tín của người lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề. Đặc biệt, châu Âu được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng với nhu cầu lớn về lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã chấp thuận đăng ký của 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ Việt Nam có hợp đồng cung ứng 134 lao động (trong đó có 65 nữ) đi làm việc tại Phần Lan. Đến nay, 55 lao động đã đi làm việc tại Phần Lan với thu nhập ổn định từ 1.500 – 2.000 EUR/tháng, điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội khá tốt.
Đánh giá về thị trường lao động Phần Lan, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu mà Phần Lan đặt ra.
“Ở những thị trường nổi tiếng khắt khe như Đức, lao động Việt Nam cũng đã và đang đáp ứng tốt các tiêu chuẩn tuyển dụng. Vừa qua, Việt Nam đã cung ứng hơn 1.000 điều dưỡng viên cho Đức.
Các ứng viên đều vượt qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, được cấp thẻ xanh và có cơ hội định cư lâu dài tại nước này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin và cho biết thêm, lao động Việt Nam được quốc tế đánh giá cao nhờ sự cần cù, chịu khó và sáng tạo.
Những phẩm chất này đã giúp Việt Nam trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia phát triển. Khi nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Phần Lan, đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số thì đây chính là lợi thế của Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, nếu Phần Lan thực sự mong muốn hợp tác, Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Những ngành nghề mà Phần Lan cần, lao động Việt Nam đều có thể đáp ứng cơ bản với yêu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh.
Bảo Châu
Báo Lao động và Xã hội số 8
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/co-hoi-sang-phan-lan-lam-viec-voi-chuyen-gia-lao-dong-co-tay-nghe-20250117105738019.htm