Đôi bên cam kết cùng chia sẻ những giá trị, nguyên tắc trong việc bảo đảm môi trường an toàn, tạo cảm hứng cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam tham gia dựa trên nhu cầu chứ không phải kỹ năng.
1. Bóng đá cộng đồng không còn xa lạ với người quan tâm tới bóng đá phong trào tại Việt Nam. VFF cùng NFF đã khởi xướng dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” vào năm 2001. Dự án được thành lập, triển khai trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, giúp Việt Nam phát triển hoạt động bóng đá phong trào không cạnh tranh cho trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường học và trung tâm bảo trợ xã hội. Theo đó, mỗi trường học là một câu lạc bộ (CLB), tự tổ chức, đứng ra tuyển chọn học sinh yêu thích bóng đá ở mọi lứa tuổi. Ngoài chơi bóng, các em còn được rèn luyện kỹ năng sống.
Thời kỳ đầu, dự án được triển khai ở Hà Nội (năm 2001), sau đó đến Thừa Thiên Huế (năm 2003). Tại dải đất miền Trung này, trong giai đoạn 2003-2018, dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” đã hình thành 216 CLB bóng đá nam, nữ khắp tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự tham gia của hơn 19.000 học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có 50% là học sinh nữ.
Trong thời gian triển khai dự án ở Thừa Thiên Huế, NFF đã hỗ trợ 89 tỷ đồng và hơn 3,8 triệu USD để tổ chức hàng loạt ngày hội bóng đá vui, trường học bóng đá, cung cấp trang thiết bị, tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng, xây dựng 33 sân bóng tại các trường học… Thông qua bóng đá phong trào không cạnh tranh, các em học sinh nam, nữ được giáo dục kỹ năng sống, kích thích niềm vui đến trường, qua đó giảm tỷ lệ bỏ học ở những vùng sâu, vùng xa. Thành công của dự án tại Thừa Thiên Huế được biết đến với phương châm “đếm nụ cười không đếm bàn thắng”.
2. Từ thành công của dự án tại Thừa Thiên Huế, VFF cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhân rộng mô hình này ra cả nước, có căn cứ vào “Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Từ năm 2015 tới nay, VFF và NFF đã phối hợp với các đối tác liên quan phát triển mô hình “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” tới hơn 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, mang lại cơ hội tham gia vui chơi bóng đá, thể thao cho hơn 500.000 học sinh. Tính ra đến nay, đã có hàng chục cầu thủ nữ từ dự án này được lựa chọn tham gia đội dự tuyển U.14 nữ quốc gia.
Dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số tỉnh, thành phố, hiệp hội trao tặng kỷ niệm chương và giải thưởng vì những đóng góp đối với công cuộc phát triển bóng đá phong trào. Đặc biệt, vào các năm 2014 và 2017, Dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” vinh dự được Liên đoàn Bóng đá châu Á trao giải thưởng “Giải thưởng vàng-Giấc mơ châu Á (Dream Asia Award) với danh hiệu là tổ chức phi chính phủ hoạt động về bóng đá cộng đồng tốt nhất khu vực.
Hiện nay, dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” đang được tích cực triển khai ở Quảng Trị, với sự tham gia của 15 CLB bóng đá cộng đồng trong trường học tại TP Đông Hà, huyện Cam Lộ và huyện Hải Lăng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2022-2024 ở Quảng Trị đã, đang và sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển sân chơi bình đẳng cho học sinh, kết hợp sử dụng bóng đá để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, giúp các em có thêm niềm vui, tiếng cười trong học tập cũng như vui chơi.
3. Khi còn dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo có đưa ra lời khuyên: “Nếu bóng đá Việt Nam muốn nghĩ tới mục tiêu dự World Cup trong 8 hay 10 năm nữa, thì ngay từ bây giờ các bạn phải bắt tay đầu tư cho lứa cầu thủ U.10”. Và một trong những nguồn lực để thực hiện điều này chính là sự ra đời của những trung tâm bóng đá cộng đồng ở các tỉnh, thành phố, là nơi sàng lọc và phát hiện “ngọc thô” cho bóng đá nước nhà, như cách hàng chục học sinh ở Thừa Thiên Huế tham gia đội dự tuyển U.14 nữ Việt Nam, thông qua dự án “Bóng đá cộng đồng ở Việt Nam”.
NGUYỄN CÔNG