(CLO) Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar là nơi duy nhất trong số các di tích đền, tháp Chăm được người dân tôn thờ, sử dụng đến ngày nay.
Ngày 17/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 152/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 17, năm 2025) đối với 5 di tích.
Trong số 5 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt đợt này có Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bà Ponagar (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Theo hồ sơ di tích, Tháp Bà Ponagar là quần thể khu đền tháp nằm trên đồi Cù Lao, nép mình bên dòng sông Cái, tọa lạc tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang.
Di tích có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, là công trình tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Chăm. Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Bên cạnh giá trị di sản văn hóa vật thể, quần thể di tích Tháp Bà Ponagar còn có giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thông qua Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra hàng năm.
Đây là lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất của khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên, là dịp để cộng đồng cùng trở về với cội nguồn truyền thống văn hóa, vun đắp những giá trị tinh thần trong hành trình đi tới tương lai.
Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar cũng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, tại hội thảo tham vấn ý kiến đối với xây dựng hồ sơ khoa học xin công nhận xếp hạng Tháp Bà Ponagar là di tích quốc gia đặc biệt, diễn ra cuối tháng 4/2024, PGS.TS Ngô Văn Doanh – nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đánh giá Tháp Bà Ponagar là di tích “hiếm có” khi còn nhiều công trình kiến trúc mang những sắc thái khác nhau của vương quốc cổ Chăm Pa.
Đặc biệt, Tháp Bà là nơi duy nhất được người dân tôn thờ, sử dụng đến ngày nay trong tất cả các di tích đền, tháp Chăm.
Theo GS.TS Lê Hồng Lý – Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, việc bài trí và thực hành nghi lễ của người Chăm và Việt diễn ra đồng thời tại Tháp Bà Ponagar là minh chứng cho “sự cộng sinh tôn giáo”. Trong tháp chính, bên cạnh tượng Linga-Yoni của người Chăm là tượng Mẫu của người Việt, tạo nên sự nổi trội, hấp dẫn của di tích.
Các nhà khoa học cũng đánh giá cao những nét tiêu biểu như không gian cảnh quan đặc sắc, kiến trúc tương đối nguyên vẹn với 4 tòa tháp, khu vực Mandapa với 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài.
Tại đây đang lưu giữ tượng nữ thần Ponagar bằng đá duy nhất ở Việt Nam, phù điêu hình lá đề “Shiva múa” ở tháp Đông Bắc.
Khánh Ngọc
Nguồn: https://www.congluan.vn/di-tich-kien-truc-nghe-thuat-thap-ba-ponagar-duoc-xep-hang-quoc-gia-dac-biet-post331041.html