Có tới 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng cho năm 2025, ứng với các mục tiêu đã đề ra là tăng trưởng 6,5-7% như Quốc hội quyết nghị và 8% – 10% như mục tiêu Chính phủ phấn đấu thực hiện. Diễn biến theo kịch bản nào sẽ phụ thuộc vào hành động của cả nền kinh tế.
Có tới 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng cho năm 2025, ứng với các mục tiêu đã đề ra là tăng trưởng 6,5-7% như Quốc hội quyết nghị và 8% – 10% như mục tiêu Chính phủ phấn đấu thực hiện. Diễn biến theo kịch bản nào sẽ phụ thuộc vào hành động của cả nền kinh tế.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; triển khai các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10-12% là một trong những nhiệm vụ được đề cập trong Nghị quyết 01/2025 |
Ba kịch bản cho tăng trưởng
Không phải chỉ một kịch bản như mọi năm, mà đã có tới 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng cho năm 2025. Ba kịch bản này đã được đưa ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.
Ba kịch bản này tương ứng với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đặt ra trong năm 2025. Cụ thể, theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2025, tăng trưởng GDP đạt 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Trong khi đó, Chính phủ quyết tâm đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8%, và đạt mức cao hơn, có thể lên tới 2 con số (10%), nếu điều kiện thuận lợi.
Theo đó, ở kịch bản thấp nhất, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5-7%, thì quý I, mức tăng trưởng phải đạt được là 6,2-6,6%. Con số này ở quý II là 6,5-7%; 6 tháng là 6,4-6,8%; quý III là 6,6-7,1%; 9 tháng là 6,5-7,1%; còn quý IV phải tăng trưởng 6,6-7,2%. Trong khi đó, ở kịch bản tăng trưởng kinh tế đạt 8%, như mục tiêu phấn đấu của Chính phủ, thì quý I, tăng trưởng GDP phải đạt được là 7,7%. Các con số tương ứng cho quý II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và quý IV là 8%; 7,9%; 8,1%; 7,9% và 8,3%.
Cao nhất và có lẽ cũng là thách thức nhất, chính là mục tiêu tăng trưởng 10% mà Chính phủ kỳ vọng đạt được, nhằm tạo nền tảng cho giai đoạn tăng tốc, bứt phá 2026-2030, với tăng trưởng 2 con số. Theo đó, tất cả các quý trong năm, tăng trưởng GDP phải ít nhất đạt được 9%. Cụ thể, quý I, phải tăng trưởng 9,4%; quý II là 10%; 6 tháng 9,7%; quý III ,à 19%; 9 tháng 9,8%; quý IV là 10,5% và cả năm là 10%.
Nhìn vào các con số này, có thể thấy, kịch bản tăng trưởng 6,5-7% là dễ đạt được nhất. Bởi với nền tăng trưởng 7,09% trong năm 2024, cộng thêm xu hướng tích cực hơn của kinh tế Việt Nam và toàn cầu, khả năng đạt được mức tăng trưởng tương đương năm 2024 là có thể.
Trong báo cáo vừa được công bố, Ngân hàng UOB đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 lên mức 7%, thay vì 6,6% trước đó. Theo lý giải của ngân hàng này, họ nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam sau khi tăng trưởng GDP năm 2024 đã vượt xa dự báo chung (6,7%), cũng như vượt xa mục tiêu đã đề ra (6,5%). “Chúng tôi kỳ vọng về những chuyển biến tích cực hơn từ các động lực trong nước, như sản xuất, tiêu dùng nội địa và lượng khách du lịch, đặc biệt là trong nửa đầu năm”, các chuyên gia của UOB nhận định.
Phát biểu trước đó tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, ông Suan Teck Kin, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng, mặc dù Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế nhưng song song với đó là ba cơ hội đáng kể để thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong năm nay.
Với mức tăng trưởng GDP ấn tượng đạt 7,09% trong năm 2024 vừa qua, Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh bền bỉ trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Đây chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời tận dụng những cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của chuyên gia Cấn Văn Lực và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV lại coi kịch bản tăng trưởng 7-7,5% là “tiêu cực”, với khoảng 20% khả năng có thể diễn ra. Tình huống giả định là các rủi ro từ bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo, còn ở trong nước thì các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng hoặc chỉ ở mức tương đương năm 2024… Tức là theo chuyên gia Cấn Văn Lực thì ít nhất, tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 7-7,5%, tương đương chỉ tiêu phấn đấu mà Quốc hội giao cho Chính phủ.
Hai phương án còn lại, theo nhóm nghiên cứu của chuyên gia Cấn Văn Lực, xác suất xảy ra là 60% đối với kịch bản tăng trưởng 8%. Đây là kịch bản được gọi là “cơ sở”, với giả định là đà phục hồi kinh tế tiếp tục được duy trì, cùng với quyết tâm về đột phá thể chế, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố, các động lực tăng trưởng cả mới và truyền thông được phát huy, khai thác hiệu quả hơn. Còn kịch bản tích cực, tăng trưởng 9-9,5%, thì xác suất xảy ra là 20%. Và điều kiện là tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn dự báo; các động lực tăng trưởng phát huy hiệu quả cao hơn; cơ cấu lại nền kinh tế, các đột phá chiến lược được thúc đẩy…
Đường đi của kinh tế 2025
Có nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế được đưa ra. Bởi thế, nền kinh tế sẽ đi theo hướng nào sẽ phụ thuộc nhiều vào những giải pháp, hành động mà các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp sẽ thực hiện. Cùng với đó, cũng còn phụ thuộc vào diễn biến của kinh tế toàn cầu, biến động địa chính trị toàn cầu, cũng như chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một vài thách thức tiếp tục được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, mặc dù vẫn có một sự đồng thuận khá lớn về tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
“Hiện tại, tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng chỉ khoảng 5-6%, so với trước dịch bệnh là tăng 2 con số. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần tăng kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế cao hơn”, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã nói như vậy tại Diễn đàn Kinh tế mới đây. Theo ông, chưa thể an tâm với động lực đang chiếm 63% trong tăng trưởng GDP này.
Tương tự như vậy, xuất khẩu có thể gặp khó khi chính sách thương mại của Mỹ thay đổi. Giải ngân đầu tư công cũng chưa dễ bứt phá. Các động lực tăng trưởng mới cũng chưa thể sớm phát huy hiệu quả mạnh mẽ.
Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra tới 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đột phá về thể chế được coi là “đột phá của đột phá”, phải đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển. Cùng với đó, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao…
Trong hai nhóm giải pháp này, Chính phủ chỉ đạo có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư. Đồng thời, xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá, động lực mới cho tăng trưởng như chip, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, hydrogen xanh…
Tương tự, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi…
Trong các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năm 2025, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh về “không gian tăng trưởng” mà khu vực doanh nghiệp có thể đóng góp. Do vậy, theo ông Tuấn, điều quan trọng là giải quyết các ách tắc cho khu vực này, làm sao để họ nhanh đưa vốn, nhanh đưa hàng hóa được vào nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi nhấn mạnh về những việc cần phải làm để kinh tế 2025 có thể tăng tốc, bứt phá cũng đã nhấn mạnh việc phải khơi thông nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Trong từng ngành, lĩnh vực và địa phương phải xác định được mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới. Các vùng động lực và các cực tăng trưởng như Hà Nội và TP.HCM phải tăng trưởng cao hơn để khẳng định vai trò đầu tầu, dẫn dắt tăng trưởng của cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nhiệm vụ này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương. Nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có TP.HCM cũng đã cam kết nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Hôm Chính phủ họp bàn với các địa phương, ông Nguyễn Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã khẳng định rằng, TP.HCM đã xác định năm 2025 là năm tăng tốc để về đích, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, chuẩn bị kế hoạch và triển khai các điều kiện cần thiết để bước vào nhiệm kỳ mới với mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Nguồn: https://baodautu.vn/kich-ban-nao-cho-tang-truong-kinh-te-2025-d240694.html