Tin tức đáng chú ý: Doanh nghiệp kiến nghị đơn giản thủ tục đổi đăng ký xe, điều chỉnh thời gian làm việc của tài xế khi thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; 7 khuyến cáo khi mua thực phẩm dịp Tết Nguyên đán…
Thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, doanh nghiệp kiến nghị giờ lái xe, đổi đăng ký
Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội Trần Đức Nghĩa cho biết vừa có công văn gửi cơ quan chức năng đề nghị tháo gỡ một số vướng mắc.
Theo ông Nghĩa, những ngày gần đây Hiệp hội Logistics Hà Nội nhận được phản ánh từ nhiều hội viên về những vướng mắc khi thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về thời gian làm việc của lái xe; nghị định 168 về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ và thông tư 79 về đăng ký phương tiện.
Theo đó, khoản 1 điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ. Thực tế hiện nay, tổng số giờ lái xe của tài xế khoảng 60 – 65 giờ/tuần với vận tải đường ngắn (dưới 300km) và trên 65 giờ/tuần với vận tải đường dài (trên 300km).
So sánh với số giờ làm việc tối đa trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của lái xe giảm khoảng 20 – 30% với vận tải đường ngắn và trên 30% với vận tải đường dài.
Theo ông Nghĩa, quy định này làm giảm năng lực cung ứng dịch vụ của toàn thị trường vận tải đường bộ khoảng 20 – 30%, kéo giá cước tăng ước tính khoảng 20 – 25%, tăng chi phí logistics quốc gia lên khoảng 10 – 11% và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về số giờ làm việc của lái xe trên thế giới, ông Nghĩa cho rằng Liên minh châu Âu quy định số giờ làm việc của lái xe là 56 giờ/tuần (EU regulation (EC) No 561/2006 có hiệu lực từ ngày 11-4-2007). Từ tháng 4-2024, lái xe Nhật Bản làm việc tối đa 60 giờ/tuần.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Ông Nghĩa cho rằng quy định 48 giờ làm việc/tuần của Việt Nam là thấp nhất khi so sánh với các nền kinh tế có trình độ phát triển cao nhất trên thế giới, kiến nghị điều chỉnh số giờ làm việc của lái xe lên 65 giờ/tuần, bằng với mức cao nhất so với các quy định tại Mỹ, EU và Nhật Bản.
Áp dụng các quy định xử phạt tại nghị định 168 phạt vi phạm thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong ngày và thời gian lái xe trong tuần khi lái xe vi phạm quá 10% thời gian quy định.
Đồng thời, tính thời gian lái xe cộng dồn một lần, trong ngày và trong tuần ở tốc độ tối thiểu 15km/h để loại bỏ đi những tình huống tắc đường kéo dài thường xuyên xảy ra ở các đô thị và trên hệ thống đường bộ Việt Nam. Đây là những tình huống bất khả kháng cần miễn trừ trách nhiệm.
Một vấn đề khác mà nhiều doanh nghiệp vận tải hiện đang “vướng” khi đi đăng kiểm xe là đổi chứng nhận đăng ký xe. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện thông tư 58 về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đã có khoảng 1 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải đổi “biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen”.
Tuy nhiên, khi thông tư 79 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, cơ quan đăng kiểm cho rằng, điều 18 thông tư 79 quy định trường hợp đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe gồm “Xe đã đăng ký, cấp biển số xe nền màu trắng, chữ và số màu đen đổi sang biển số xe nền màu vàng, chữ và số màu đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô) và ngược lại”, các xe đã được cấp mới hoặc cấp đổi giấy đăng ký theo quy định tại thông tư 58 sẽ buộc phải đổi lại đăng ký theo quy định tại thông tư 79 mới được đăng kiểm khi đến hạn.
Với khoảng 1 triệu giấy đăng ký xe đã được cấp mới và cấp đổi theo quy định tại thông tư 58, mức độ ảnh hưởng của vấn đề này là lớn và đang gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Để cấp lại đăng ký xe, doanh nghiệp phải đưa xe lên cơ quan cảnh sát giao thông để thực hiện việc khám xe, cà số khung, số máy…
Ông Trần Đức Nghĩa ước tính, với doanh nghiệp quy mô từ 120 – 150 đầu xe, chi phí cho việc đổi đăng ký xe theo quy trình bình thường sẽ phải mất từ 500 – 600 triệu đồng.
7 khuyến cáo khi mua thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm vừa có khuyến cáo về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Theo đó, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Cơ quan chức năng mới đây đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm, trong số đó đa phần là các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết.
Đối với người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm khuyến cáo:
Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; Không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng;
Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng;
Không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng;
Người tiêu dùng lưu ý không chế biến quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng.
Không lạm dụng rượu, bia để Tết Ất Tỵ trọn niềm vui;
Không uống rượu khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm;
Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm đã bị giập nát, hỏng.
Xem xét tình trạng các nhà máy xi măng thua lỗ, có nguy cơ dừng sản xuất
Văn phòng Chính phủ có văn bản 443 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính xử lý thông tin trên truyền thông nêu về nội dung “các nhà máy xi măng thua lỗ, có nguy cơ dừng sản xuất”.
Theo phản ánh của báo chí, số liệu của Bộ Xây dựng năm 2024 tổng nguồn cung xi măng toàn quốc đạt khoảng 122 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 60 triệu tấn, dư thừa nguồn cung và cạnh tranh gay gắt, giá bán giảm.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, than, nguyên liệu sản xuất duy trì ở mức cao khiến chi phí sản xuất xi măng ngày càng tăng mạnh. Xuất khẩu cũng gặp khó khăn do các rào cản thương mại từ Philippines, Trung Quốc và một số thị trường lớn. Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án xây dựng từ nguồn đầu tư công chậm giải ngân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của xi măng trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu nội dung bài báo nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-1.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tin-tuc-sang-19-1-de-nghi-don-gian-thu-tuc-doi-dang-ky-xe-dieu-chinh-thoi-gian-lam-viec-cua-tai-xe-20250118232420076.htm