Vào cuối tuần, hàng trăm con trâu, bò, ngựa được người dân đến từ khắp các thôn, bản vùng cao của huyện Bắc Hà và cả các tỉnh khác mang về chợ trâu Bắc Hà. Đây là chợ đại gia súc, là “sàn giao dịch gia súc” lớn nhất của tỉnh Lào Cai.
Chợ gia súc Bắc Hà-“sàn giao dịch” trâu, bò, ngựa lớn nhất Lào Cai
Đến vùng cao nguyên trắng Bắc Hà, chúng tôi có dịp mục sở thị chợ trâu Bắc Hà; các ngõ ngách vào khu vực chợ trâu đều chật kín người bán, người mua. Dọc hai bên đường vào chợ, những con trâu, bò, ngựa to, khỏe được buộc thẳng hàng để bày bán cho thương lái lựa chọn. Trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông có cả trăm con trâu được bán với các giá khác nhau, tùy thuộc độ tuổi, cân nặng, dáng vóc, chất lượng…
Chợ trâu Bắc Hà bắt đầu họp từ sáng sớm ngày thứ 6. Chợ sôi nổi, nhộn nhịp nhất trong khoảng từ 8 giờ sáng đến trưa và tan dần từ khoảng 3 giờ chiều. Nhiều hộ có trâu bán, do nhà ở xa nên đến chợ từ chiều tối thứ 5, nhà ở gần hơn thì đi từ 4 giờ sáng cho kịp phiên chợ.
Đường đến với chợ trâu Bắc Hà bây giờ dễ đi, thuận tiện. Từ thành phố Lào Cai có thể đi theo đường quốc lộ 70 hoặc cao tốc Lào Cai – Nội Bài rồi rẽ vào tỉnh lộ 153, đi thêm khoảng gần 30km là đến thị trấn Bắc Hà.
Ông Sùng Seo Chống, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn dắt con trâu đực xuống chợ để bán cho thương lái.
Ông Chống kể: Tôi cũng không nhớ chợ gia súc này có từ bao giờ nữa, khi 7-8 tuổi tôi đã theo chân bố, mẹ dắt trâu, bò xuống chợ để bán ở đây rồi.
Năm 2024, gia đình tôi đã bán được 10 con trâu, giá khoảng 30 triệu đồng/con, thu về 300 triệu đồng. Hôm nay, tôi dắt một con xuống bán, tôi dự định bán với giá hơn 30 triệu đồng.
Theo ông Chống, trước đây trâu, bò được giá thì bà con vùng cao phấn khởi lắm, bán được con trâu, con bò thì cũng có cái Tết ấm no, có tiền mua quần áo mới, mua đôi dép… đi chơi Tết.
Còn ông Vù Seo Sùng cũng đến từ xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) chia sẻ: Hôm nay, đến với chợ gia súc, gia đình tôi dắt 2 con trâu đực nuôi được 2 năm và 6 năm để bán lấy tiền ăn Tết. 2 con trâu này của tôi đang được giao bán lần lượt là 30 và 55 triệu đồng. Con to đã có thương lái trả 51 triệu rồi đấy nhưng tôi chưa muốn bán, phải được 54-55 triệu tôi mới bán.
“Từ nhỏ tôi đã cùng bố, mẹ xuống chợ này để bán trâu, bò. Khi lớn lên, lập gia đình, tôi lại nuôi trâu và dắt xuống chợ bán cho thương lái. Chợ gia súc thị trấn Bắc Hà là một trong những chợ có truyền thống từ lâu đời nay.
Sau này có thêm chợ xã Lùng Phình (Bắc Hà) và chợ xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, khi đến ngày họp chợ bà con chúng tôi lại dắt đi để bán cho thương lái. Năm 2024, gia đình tôi bán được hơn 10 con trâu, thu về khoảng 600 triệu đồng”, ông Vù Seo Sùng tâm sự.
Cũng theo người dân ở huyện Bắc Hà, nhiều người đến chợ gia súc thị trấn Bắc Hà không chỉ để bán trâu, bò, ngựa… mà còn tìm đến để mua thêm những con trâu nhỏ hơn về nuôi thêm 2-3 năm mới bán hay mua những con gầy hơn về nuôi vỗ béo.
Mỗi phiên chợ có đến hàng trăm con trâu, bò được mua, bán tại chợ; từ những con trâu, bò được làm giống, cày bừa, cho tới cả những con to lớn để làm thịt.
Chợ gia súc được mở ngay gần chợ phiên Bắc Hà nên có rất đông người đến từ khắp các thôn, bản vùng cao của tỉnh Lào Cai và cả các tỉnh khác tụ hội về đây để tham quan, vui chơi.
Ông Vàng Tú Oanh, Trưởng Ban Quản lý văn hóa chợ Bắc Hà, huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Chợ gia súc thị trấn Bắc Hà vốn đã có từ lâu đời nay. Những năm trước đây, bà con xuống họp chợ chủ yếu tự phát chưa có quy định họp chợ cụ thể.
Đến năm 2010, khi Ban Quản lý văn hóa chợ Bắc Hà được thành lập, Ban Quản lý văn hóa chợ đã thường xuyên tuyên truyền cho bà con tham gia phiên chợ giao dịch gia súc giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ vững an ninh trật tự.
Vào các ngày diễn ra chợ giao dịch gia súc, sau khi tan chợ, Ban Quản lý văn hóa chợ Bắc Hà phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Bắc Hà dọn dẹp vệ sinh, hót gom phân trâu, bò cho các hộ dân có nhu cầu mang về làm phân bón cây trồng.
Cách chọn trâu tốt ở chợ gia súc Bắc Hà
Theo những thương lái mua bán trâu lâu năm, để chọn được con trâu tốt thì phải biết cách chọn và tham khảo tư vấn của nhiều người. Những con trâu mộng to khỏe, lực lưỡng, thân hình đen bóng với dáng đứng lừng lững, cặp sừng vênh vênh nhọn hoắt được khá nhiều người lựa chọn.
Thương lái xem trâu đều cạy miệng trâu để đếm răng, nhằm xác định tuổi của chúng. Sau đó mới xem vai, hông, háng… Một con trâu đẹp, yêu cầu trước tiên phải đang ít tuổi, để còn phát triển tiếp. Rồi vai và hông phải nở, lông mượt…
Ông Lầu A Súng đến từ xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) bảo: Để chọn được một con trâu tốt, có sức khỏe vẫn là ưu tiên số một của nhiều người khi đến với chợ gia súc Bắc Hà. Người mua nào cũng ngắm trâu rất kỹ và quan tâm cả việc kiểm tra xem trâu đã thay răng hoặc thay lông hay chưa để đoán tuổi và sức khỏe.
Chợ gia súc Bắc Hà là nơi tập trung của hàng chục thương lái khắp các tỉnh miền Bắc về đây, không khí mua bán trâu diễn ra sôi nổi, tấp nập từ tinh mơ. Ngoài mua bán trâu, ở chợ cũng có hàng chục con bò, ngựa,… của dân bản các vùng lân cận cũng được mang đến mua bán, trao đổi.
Càng về trưa, chợ càng trở nên đông đúc hơn. Thế nhưng không phải ai cũng đến chợ để mua, bán trâu. Với người vùng cao, chợ trâu còn là điểm đến để họ gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi. Tất cả đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu của phiên chợ trâu vùng cao này.
Nằm ở lưng chừng con dốc trung tâm thị trấn Bắc Hà, chợ trâu kéo dài đến tận quá trưa. Khi cánh lái buôn đã gom đủ số trâu và lùa lên ô tô thì người dân cũng tranh thủ mua sắm những thứ cần thiết rồi đưa đàn trâu, bò, ngựa chưa giao dịch được về bản.
Dù bán được hay không, người chủ nuôi gia súc khi đến với chợ phiên Bắc Hà không lấy làm buồn lòng. Họ coi đây là dịp để khoe trâu, bò của nhà mình với nhà khác. Đó như là một hình thức triển lãm trâu, bò giữa phiên chợ đặc biệt của vùng cao Tây Bắc.
Ông Vàng Tú Oanh, Trưởng Ban Quản lý văn hóa chợ Bắc Hà, huyện Bắc Hà cho biết thêm: Chợ gia súc thị trấn Bắc Hà đã trở thành nơi giao dịch và bao tiêu sản phẩm vật nuôi cho bà con bản địa cũng như các địa phương khác. Từ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân chăn nuôi…
Chợ gia súc Bắc Hà vẫn giữ nguyên những nét hoang sơ, thuần túy của một phiên chợ vùng cao. Chợ không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào địa phương mà còn trở thành nét đẹp đặc trưng cho vùng đất “Cao nguyên trắng” giữa núi rừng Tây Bắc.
Nguồn: https://danviet.vn/cho-dai-gia-suc-lon-nhat-lao-cai-troi-chua-sang-xuat-hien-la-liet-trau-bo-ngua-diem-danh-cha-xue-20241124165742852.htm