Các ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói vay ưu đãi, nhưng lãi suất các khoản vay cũ chỉ hạ rất hạn chế.
Hết quý I, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành, các nhà băng cũng thông báo hạ lãi suất cho vay. Nhưng khi nhận thông báo lãi suất mới trong kỳ đánh giá lại vào cuối tháng 4, Đức Anh (một khách hàng vay tại Hà Nội) không khỏi thất vọng khi lãi suất cho khoản vay mua nhà hơn 1 tỷ đồng của anh chỉ giảm 0,15 điểm phần trăm, từ 14,7% xuống 14,55% một năm.
“Thấy các ngân hàng đồng loạt thông báo giảm mạnh lãi suất, tôi đã hy vọng lãi suất khoản vay của mình cũng được điều chỉnh mạnh, nhưng thực tế gần như không đáng kể”, Đức Anh nói.
Đầu năm 2021, Đức Anh vay để mua một căn hộ chung cư tại Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Khoản vay hơn 1 tỷ đồng dùng chính căn chung cư làm tài sản đảm bảo, với lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên chỉ là 7,8%. Tuy nhiên, những năm sau đó, lãi suất sẽ thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3,3%. Áp lực bắt đầu tăng nhanh ngay sau khi hết ưu đãi. Cuối năm 2022, lãi suất cho khoản vay đã tăng lên gần 15% khi lãi suất cơ sở của ngân hàng tăng mạnh.
Linh Chi, một khách hàng vay mua nhà dự án, cũng cho biết đang chịu mức lãi suất gần 15% sau khi hết thời gian ưu đãi. “Lãi suất tăng suốt từ mùa dịch tới nay. Chưa có thời điểm nào ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất mà chỉ toàn tăng. Tới nay, tôi cũng chưa nhận bất kỳ thông báo nào về việc giảm lãi vay”, Linh Chi cho biết.
Không riêng khách hàng cá nhân, những nhà đầu tư lớn cũng trong vòng xoáy lãi suất cao, thị trường bất động sản đóng băng.
Ông Vinh, chủ một doanh nghiệp đầu tư mua đất trong một dự án, cho biết đã được giảm lãi suất hơn 1% so với giai đoạn cao điểm, nhưng hiện phải trả mức lãi suất gần 15% trên năm. Đầu năm 2021, ông ký hợp đồng vay với tài sản thế chấp là chính lô đất đã mua, lãi suất ưu đãi năm đầu là 9,8%. Khi đến tiến độ xây dựng, ông phải tiếp tục vay để thực hiện nhưng mức lãi suất hết ưu đãi trở thành gánh nặng quá lớn.
Ông tính bán nhà để lấy tiền tất toán khoản vay nhưng bán không được vì thị trường giờ đóng băng, giá giảm quá sâu. “Lãi suất vay mà không trả được lại thành nợ xấu, nhưng muốn bán tài sản để tất toán cũng không được vì thị trường. Nó là một vòng luẩn quẩn”.
Lý giải việc lãi suất vay giảm chậm hơn lãi suất tiết kiệm, nhân viên tín dụng của ngân hàng thương mại trong nhóm đầu thị trường, giải thích, các chương trình ưu đãi hay việc giảm lãi suất gần đây chủ yếu ở khách hàng vay mới. “Áp dụng biểu lãi suất ưu đãi trong năm đầu. Còn với những khoản vay cũ, hầu như mức giảm là không đáng kể”, một nhân viên nói.
Với lãi suất tham chiếu, ngân hàng thường điều chỉnh định kỳ hoặc nhiều lần trong giai đoạn thị trường biến động mạnh. Tuy nhiên, mức lãi suất này còn căn cứ theo chi phí vốn đầu vào và nhiều khoản phí cấu phần khác nên thường “tăng nhanh – giảm chậm”. Còn biên độ cố định hiện nay đa phần trong khoảng 3-4%.
“Do biên độ cố định cao, trong khi lãi suất tham chiếu điều chỉnh giảm không nhiều nên không thể kỳ vọng lãi suất các khoản vay cũ giảm mạnh ngay”, cô nói.
Tại nhà băng của nhân viên này, mức lãi suất tham chiếu với khoản vay thế chấp bất động sản hiện là 10,5%, chỉ giảm 0,5% so với cuối năm 2022. Với biên độ cố định trong khoảng 3,5-4%, mức lãi suất với các khoản vay cũ hiện tại khoảng 14-14,5% mỗi năm. Con số này được điều chỉnh mỗi 3-6 tháng, tùy theo điều khoản trong kế ước vay với từng khách hàng.
Mức lãi suất hiện tại, cao hơn khoảng 1-1,5% so với giai đoạn 2019-2020. Nhưng nếu so với giai đoạn lãi suất chạm đáy trong thời gian Covid-19, mức lãi suất hiện nay cao hơn 2,5-3,5%.
Từ góc độ điều hành ngân hàng, tổng giám đốc một nhà băng tư nhân nói với VnExpress, việc giảm lãi suất tuỳ thuộc vào chính sách từng ngân hàng, nhưng cần tính đến độ trễ của việc điều chỉnh giá vốn trong hoạt động.
Theo ông, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh 1-2 tháng gần đây, đồng nghĩa với việc ngân hàng huy động được lượng tiền gửi mới với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, cao điểm của thời kỳ lãi suất cao rơi vào tháng 12/2022 đến tháng 2/2023. Các khoản huy động vào giai đoạn cao điểm này vẫn chưa đáo hạn, do đó ngân hàng vẫn phải trả chi phí cao, hiểu đơn giản là nhập lượng hàng đầu vào với chi phí vốn cao. Giá vốn bình quân đầu vào của ngân hàng vẫn chưa thay đổi nhiều, do đó lãi suất cơ sở chưa điều chỉnh đáng kể.
Tuy nhiên tổng giám đốc nhà băng này nói khách hàng sẽ thấy đà giảm lãi suất vay giảm rõ rệt hơn khi bước vào quý II. Giá vốn giảm đến mức độ nhất định cộng với việc cạnh tranh giữ chân khách hàng sẽ là động lực để các ngân hàng giảm lãi vay rõ rệt hơn.
Trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán tại Hà Nội đánh giá thêm, nợ xấu cũng rục rịch tăng lên trong quý đầu năm nay, các nhà băng sẽ theo khuynh hướng giữ biên lãi thuần (NIM) rộng hơn nhằm tối ưu lợi nhuận, để có nguồn lực củng cố bộ đệm dự phòng.
Trước đó, trong cuộc họp cuối tháng 4, một số ngân hàng bị Phó thống đốc Đào Minh Tú “điểm tên” vì cho vay cao và chênh lệch lớn với lãi suất đầu vào, ảnh hưởng tới nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất của toàn ngành. Ông cũng đặt ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay trên toàn hệ thống. Mức lãi suất đầu ra bình quân 13-14% một năm theo ông Tú là quá cao, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn hiện nay.
Trên thị trường, một số ngân hàng cũng rục rịch giảm lãi suất cho khách vay cũ. Như tại Sacombank, nhà băng này giảm lãi suất với khoản vay cũ từ 0,5% đến 2%, tuỳ từng đối tượng, so với thời điểm cuối 2022.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho biết chưa có sự điều chỉnh đồng loạt nhưng ngân hàng cũng đã giảm lãi suất vay với một số đối tượng nhất định. “OCB sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng cũ ngay trong tháng này”, ông Tùng cho biết.
Minh Sơn – Quỳnh Trang