Trong rất nhiều mô hình nông nghiệp đem hiệu quả cao của nông dân thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), không thể không nhắc đến mô hình nuôi ba ba đã được người dân ở đây áp dụng thành công, kinh tế gia đình ngày càng giàu có.
Điển hình là chị Nguyễn Thị Diệu, hộ dân điển hình nuôi ba ba đạt hiệu quả kinh tế cao ở ấp Tân Hưng, thị trấn Bún Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Chị Diệu nhận thấy đất vườn rộng, nguồn thức ăn như ốc, cá, tép vụn ở địa phương rất dồi dào, rất phù hợp để nuôi thủy sản, cùng với nhu cầu thị trường cao đối với sản phẩm ba ba thịt nên gia đình chị Diệu mạnh dạn đầu tư nuôi ba ba.
Ao nuôi ba ba thịt của gia đình chị Nguyễn Thị Diệu, hộ dân điển hình nuôi ba ba cho hiệu quả kinh tế cao ở ấp Tân Hưng, thị trấn Bún Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Với đức tính cần cù của người nông dân và tinh thần ham học hỏi, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm từ thực tế.
Từ một ao nuôi ba ba thương phẩm với diện tích 300 m2 ban đầu, đến nay gia đình chị đã phát triển lên 10 ao nuôi gồm: 4 ao nuôi ba ba thương phẩm và 6 ao nuôi ba ba giống, với tổng diện tích là 2000 m2.
Mỗi năm gia đình chị cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 con ba ba thương phẩm và 60.000 con ba ba giống.
Với giá ba ba thương phẩm là 150.000 đồng – 180.000 đồng/kg. Còn ba ba giống giá 2.000 đồng – 3.500 đồng/con tùy thời điểm.
Ngoài nuôi ba ba chị còn cung cấp thức ăn và thu mua ba ba thịt và ba ba giống của các hộ nuôi lân cận để cung cấp cho thị trường. Sau khi trừ hết chi phí, hằng năm chị thu lợi nhuận cho gia đình gần 200 triệu đồng từ mô hình nuôi con đặc sản này.
Chị Nguyễn Thị Diệu, hộ dân nuôi ba ba đạt hiệu quả kinh tế cao ở ấp Tân Hưng, thị trấn Bún Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chọn ba ba giống.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ba ba chị Diệu cho biết: “Nuôi ba ba không khó nhưng đồi hỏi phải cẩn thận khi chăm sóc. Trong quá trình cho ăn nếu thấy ba ba có biểu hiện bất thường thì phải xử lý ngay. Ao nuôi phải gần nguồn nước sạch, chủ động cấp thoát nước dễ dàng, yên tĩnh, gần nhà để tiện chăm sóc và bảo vệ.
Quanh ao nuôi ba ba cần xây tường hoặc chắn bằng tôn cao từ 50 – 60 cm để baba không thoát ra ngoài, khoảng cách giữa bờ ao và tường bảo vệ nên chừa một khoảng rộng khoảng 1m để ba ba lên phơi nắng.
Thức ăn cho ba ba có thể thức ăn công nghiệp, cá, tép, ốc, xoay nhuyễn. Nên cho ba ba ăn bằng máng đặt trên mặt nước, để tiện việc theo dõi và hạn chế thức ăn hòa tan vào nước gây ô nhiễm ao nuôi. Hằng ngày cần kiểm tra lượng thức ăn trong máng để điều chỉnh kịp thời tránh cho ăn quá dư thừa làm ô nhiễm ao nuôi ba ba dễ nhiễm bệnh”.
Mô hình nuôi ba ba hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân ở ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) hứa hẹn sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển trong thời gian tới.
Nguồn: https://danviet.vn/ba-ba-con-dac-san-ngup-lan-duoi-ao-nuoi-thanh-cong-o-hau-giang-ban-180000-dong-kg-20250117231835649.htm