Mạnh dạn bỏ cây chuối để trồng 1ha quýt, vợ chồng bà Nguyễn Thị Như Quỳnh ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Những ngày tháng 12 âm lịch này, bà Nguyễn Thị Như Quỳnh (41 tuổi) ở xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, bận rộn với những công đoạn cuối để thu hoạch quýt phục vụ dịp Tết.
Hiện xã Quảng Lập có khoảng 1,4ha quýt của người dân trồng đang vào vụ thu hoạch. Trong đó, vườn bà Quỳnh có 1ha.
Tại khu vườn rộng phủ màu vàng ươm của những trái quýt chín, bà Quỳnh tỉ mẩn kiểm tra, chọn những quả có chất lượng tốt nhất trước khi đưa ra thị trường. Mỗi lần có người ghé thăm vườn, bà trở thành “hướng dẫn viên”, chỉ cho khách cách lựa những trái căng mọng có vị thanh để thưởng thức.
Kiếm hàng trăm triệu đồng từ vườn quýt
Bỏ nhánh quýt trĩu quả vào giỏ lưới, bà Quỳnh khoe “thành quả lao động miệt mài của gia đình tôi giờ đây đã mang lại trái ngọt”.
Bà kể khu vườn này rộng 1ha, trước đây vốn trồng chuối và một số cây khác song hiệu quả không được bao nhiêu. Họ làm việc rất vất vả để có đủ thu nhập trang trải cuộc sống.
Năm 2016, trong một chuyến đi miền Tây cùng chồng, bà Quỳnh nhận thấy cây quýt có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập. Hơn nữa, vùng cao nguyên Đơn Dương có khí hậu, thổ nhưỡng và các điều kiện phù hợp với loại cây này. Từ đó, vợ chồng bà bắt đầu tìm hiểu rồi quyết định tìm mua cây giống đưa về trồng.
Ban đầu, khi bà nêu ý tưởng quy hoạch đất và trồng quýt, mọi người có phần không đồng tình. Bởi lúc này, việc thay đổi mô hình là một vấn đề lớn vì sợ rủi ro và thiếu nguồn vốn.
“Lúc đó, tôi cũng phân vân, cũng sợ nếu thất bại thì sẽ mãi loay hoay với mô hình cũ, khó phát triển” – chủ vườn chia sẻ. Dù vậy, vợ chồng bà vẫn lên phương án, thuyết phục mọi người.
Được gia đình đồng thuận, vợ chồng bà dựa vào nguồn vốn sẵn có và vay thêm bên ngoài để chuyển đổi 1ha chuối sang trồng quýt. Bà cùng người thân cải tạo đất, đặt hệ thống nước tưới tiết kiệm rồi đưa cây giống về trồng.
Theo bà Quỳnh, lúc đầu vì thiếu kinh nghiệm nên việc trồng và chăm sóc gặp khó khăn. Đến năm 2019, sau 3 năm vun trồng, vụ quýt đầu tiên cho thu hoạch khoảng 1 tấn, là sản lượng không mấy khả quan. Vỏ quýt cũng bị nám vì sương muối.
Vợ chồng bà lại tìm tới những người có kinh nghiệm để nhờ tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Các mùa vụ sau, sản lượng và chất lượng quả tăng dần. Với vườn quýt này, hiện nay, gia đình bà Quỳnh thu 10-15 tấn mỗi năm.
Ở cao nguyên Lâm Đồng, quýt thường chín rộ từ tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau. Ngoài trồng quýt bán, gia đình bà Quỳnh còn mở cửa đón khách vào tham quan.
“Sẵn vườn quýt rộng và đẹp, mấy anh chị em trong nhà quyết định làm du lịch, mỗi người phụ trách một khâu” – người phụ nữ cao nguyên chia sẻ.
Từ cuối năm 2023, gia đình bà triển khai mô hình du khách trải nghiệm dưới tán quýt. Khách tham quan vườn miễn phí. Ai có nhu cầu ăn quýt thì sẽ chọn cắt để mua, chủ vườn sẽ đóng gói.
Vườn quýt dần nhận được sự quan tâm của nhiều người đến tham quan, chụp hình. Giờ đây mỗi ngày có hàng chục lượt khách tới thăm vườn.
Năm trước, gia đình bà thu khoảng 15 tấn quýt, bán với giá từ 25.000-40.000 đồng tùy thời điểm và chất lượng.
“Còn vụ này, quýt đạt năng suất cao hơn, chúng tôi dự kiến thu được khoảng 17 tấn, bán khoảng 25.000 đồng/kg” – chủ vườn thông tin.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thuan-vo-thuan-chong-pha-chuoi-trong-quyt-nguoi-phu-nu-lam-dong-thu-bon-tien-2364297.html