Nhiều người dễ đổ mồ hôi, bất kể hoạt động mạnh hay nhẹ. Ngược lại, có những người tiết rất ít mồ hôi. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, lợi và hại của 2 nhóm người này dưới góc nhìn của y học hiện đại và cổ truyền.
Đổ mồ hôi nhiều có tốt?
Theo bác sĩ Lê Văn Định, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM), sở dĩ có sự khác biệt về tiết mồ hôi là do các yếu tố như di truyền, hoạt động của hệ thần kinh và cả tình trạng sức khỏe.
“Cơ thể mỗi người có sự khác biệt về số lượng và hoạt động của các tuyến mồ hôi. Người có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh mẽ, khiến họ ra mồ hôi nhiều hơn và ngược lại. Ngoài ra, một số người có hệ thần kinh phản ứng mạnh với các yếu tố kích thích như nhiệt độ, căng thẳng hay hoạt động thể chất, trong khi những người khác có phản ứng yếu hơn. Các vấn đề bệnh lý cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tiết mồ hôi. Các bệnh rối loạn chức năng tuyến giáp, bệnh lý tim mạch hoặc các vấn đề về hệ thần kinh có thể dẫn đến việc tiết mồ hôi bất thường”, bác sĩ Văn Định cho hay.
Đối với người có cơ địa ra nhiều hoặc dễ ra mồ hôi, điều này sẽ giúp thân nhiệt được điều hòa hiệu quả, hỗ trợ thải độc và cải thiện sức khỏe da. Tuy nhiên, nếu tiết quá nhiều mồ hôi cũng gây khó chịu và mất tự tin, mất nước và điện giải, nguy cơ bệnh lý như rối loạn nội tiết, tim mạch hoặc các bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
Trái lại, cơ địa ra mồ hôi ít dù ít bị mất nước nhưng cơ thể khó điều hòa thân nhiệt, nguy cơ dẫn tới rối loạn chức năng mồ hôi, thậm chí là sốc nhiệt.
Các bệnh lý liên quan đến ra quá nhiều hoặc quá ít mồ hôi mà mọi người cần lưu ý:
Ra mồ hôi quá nhiều: Tăng tiết mồ hôi khu trú, cường giáp, đái tháo đường, rối loạn thần kinh giao cảm, rối loạn lo âu…
Người ra nhiều mồ hôi cần: Uống đủ nước, bổ sung điện giải khi vận động nhiều, giữ vệ sinh cá nhân, tránh mặc quần áo quá chật hoặc bí.
Ít ra mồ hôi: Suy giáp, bệnh lý thần kinh ngoại biên, mất nước nặng, tắc nghẽn tuyến mồ hôi.
Người ít đổ mồ hôi cần: Uống đủ nước và tránh làm việc quá sức trong môi trường nóng, cải thiện tuần hoàn máu và chức năng tuyến mồ hôi bằng các bài tập nhẹ nhàng như yoga hoặc xoa bóp. Nếu có triệu chứng sốc nhiệt hoặc mệt mỏi kéo dài, cần đi khám.
“Không có mức độ đổ mồ hôi nào là hoàn toàn tốt, sự cân bằng mới là lý tưởng. Mồ hôi cần được tiết ra đủ để giúp điều hòa thân nhiệt nhưng không gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ Văn Định khẳng định.
Góc nhìn từ y học cổ truyền
Bác sĩ Văn Định cho biết, ra mồ hôi thuộc phạm vi “chứng hãn”, được phân chia thành các thể bệnh khác nhau tùy theo nguyên nhân, tính chất và vị trí ra mồ hôi:
Tự hãn: Mồ hôi ra tự nhiên khi thức, không do vận động hay nhiệt độ, thường liên quan đến khí hư hoặc dương hư.
Nguyên nhân: Khí hư (khí không đủ để “cố biểu” – giữ mồ hôi); Dương hư (dương khí suy yếu, không bảo vệ được phần biểu).
Triệu chứng đi kèm: Sợ lạnh, mệt mỏi, hơi thở yếu, sắc mặt nhợt nhạt.
Đạo hãn (đổ mồ hôi trộm): Mồ hôi ra khi ngủ, ngừng lại khi tỉnh.
Nguyên nhân: Âm hư (âm không đủ để kiểm soát dương, khiến dương khí bốc lên gây ra mồ hôi).
Triệu chứng đi kèm: Gò má đỏ, nóng lòng bàn tay/bàn chân, khô miệng, cảm giác nóng trong người.
Hoàng hãn: Mồ hôi có màu vàng, kèm theo mùi khó chịu.
Nguyên nhân: Nhiệt độc tích tụ lâu ngày, ảnh hưởng đến huyết và tân dịch.
“Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh cần tập trung vào điều chỉnh âm dương, bổ khí, cố biểu hoặc thanh nhiệt giải độc. Có thể điều trị thông qua các bài thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… Ngoài ra cần kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý như: hạn chế đồ cay nóng, rượu bia (tránh kích thích nhiệt tà); tăng cường thực phẩm thanh mát, giàu vitamin (dưa chuột, bí đao, rau má). Luôn giữ cơ thể sạch sẽ, thoáng mát và tập các bài tập nhẹ nhàng phù hợp với cơ địa”, bác sĩ Văn Định chia sẻ.
Chứng hãn trong y học cổ truyền không chỉ đơn thuần là hiện tượng đổ mồ hôi mà còn phản ánh tình trạng khí huyết và âm dương trong cơ thể. Việc điều trị cần toàn diện, kết hợp giữa bài thuốc, châm cứu và điều chỉnh lối sống.
Nguồn: https://thanhnien.vn/do-mo-hoi-qua-it-hoac-qua-nhieu-bac-si-chi-ra-nguyen-nhan-185250117233141934.htm