Năm 2024, nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đã rời Mỹ và châu Âu sang Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về tình trạng ‘chảy máu chất xám’ tại Mỹ và châu Âu.
Báo cáo được công bố ngày 11/1 bởi công ty công nghệ dữ liệu Dongbi Data, có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), đã phân tích dữ liệu trong giai đoạn 5 năm, từ 2020 đến 2024.
Kết quả cho thấy, số lượng các nhà khoa học hàng đầu tại Mỹ đã giảm từ 36.599 người vào năm 2020 xuống còn 31.781 người vào năm 2024. Đồng thời, tỷ lệ trong nhóm tài năng khoa học toàn cầu của Mỹ cũng giảm từ gần 33% xuống còn 27%.
Trong khi đó, số lượng các nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc lại tăng đáng kể, từ 18.805 người vào năm 2020 lên đến 32.511 người vào năm 2024. Điều này đưa tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc trong nhóm tài năng toàn cầu từ 17% lên 28%.
Cũng theo báo cáo mới, “nhân tài khoa học và công nghệ trình độ cao” được định nghĩa là bất kỳ nhà nghiên cứu nào đã công bố các bài báo có tầm ảnh hưởng trên những tạp chí hàng đầu thế giới.
Nhóm nghiên cứu đứng sau báo cáo mới từ Dongbi Data đã xem xét hơn 40.000 bài báo được trích dẫn nhiều và được công bố từ năm 2020-2024 trên 129 tạp chí học thuật quốc tế hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, rồi trích xuất thông tin về các tác giả và đối chiếu dữ liệu, theoSouth China Morning Post.
Được biết, trong năm 2024, nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đã rời Mỹ và châu Âu sang Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về tình trạng ‘chảy máu chất xám’ tại Mỹ và châu Âu.
7 nhà khoa học hàng đầu rời phương Tây đến Trung Quốc năm 2024
South China Morning Post thống kê 7 nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đã chọn rời Mỹ, châu Âu để đến làm việc tại Trung Quốc, bao gồm cả những người gốc Trung và không có gốc Trung.
1. Nhà khoa học ung thư hàng đầu Sun Shao-Cong:
Sau ba thập kỷ làm việc xuất sắc tại Mỹ, nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới Sun Shao-Cong đã trở về Trung Quốc để thành lập một phòng thí nghiệm mới tại Bắc Kinh.
2. Nhà khoa học laser đoạt giải Nobel Gérard Mourou:
Nhà vật lý người Pháp Gérard Mourou – người từng đoạt giải Nobel – đã gia nhập khoa vật lý tại Đại học Bắc Kinh với vai trò giáo sư chủ tịch.
Ông được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập một viện nghiên cứu tập trung vào các dự án hợp tác quốc tế.
3. Nhà toán học danh tiếng Kenji Fukaya:
Nhà toán học người Nhật Bản Kenji Fukaya – từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá – đã rời Đại học Stony Brook, Mỹ để trở thành giáo sư toàn thời gian tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.
4. Nhà toán học danh tiếng Ma Xiaonan:
Nhà toán học người Trung Quốc Ma Xiaonan, với sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ ở châu Âu, đã chuyển đến làm việc tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân.
5. Giáo sư người Anh Zhang Yonghao:
Sau hơn 20 năm làm việc tại Anh, nhà vật lý nổi bật Zhang Yonghao – người chuyên nghiên cứu về chất lỏng siêu tốc – đã gia nhập phòng thí nghiệm siêu thanh quốc gia mới của Trung Quốc ở Bắc Kinh.
6. Chuyên gia khí hậu toàn cầu Chen Deliang:
Sau hơn ba thập kỷ làm việc ở châu Âu – chuyên gia hàng đầu về khí hậu Chen Deliang, thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – đã trở về Trung Quốc để đảm nhận vị trí toàn thời gian tại Đại học Thanh Hoa.
7. Nhà toán học nổi tiếng Wang Xujia:
Wang Xujia – nhà toán học nổi tiếng người Úc gốc Trung Quốc và là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Úc – đã trở về quê nhà Hàng Châu để gia nhập Đại học Tây Hồ, một ngôi trường danh giá của Trung Quốc, sau gần ba thập kỷ làm việc ở nước ngoài.
Theo Sở hữu trí tuệ
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/thay-doi-can-can-ve-tiem-luc-khoa-hoc-giua-trung-quoc-va-my/20250117093843362