Ngày 17/1, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) cho biết, vừa ban hành Quyết định kết quả đánh giá, phân hạng 6 sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện đợt 2 năm 2024.
Chả cá thát lát Tánh Linh ngon thơm khó cưỡng
Theo đó, các sản phẩm trên là thực phẩm chế biến Bột Bình Tinh Đông Đan của hộ kinh doanh Lê Minh Thế ở xã Bắc Ruộng; Hạt Điều rang muối của hộ kinh doanh Lê Thị Hồng ở xã Đức Thuận; Ngũ cốc dinh dưỡng Kim Anh của hộ kinh doanh Lê Thị Kim Anh ở xã Suối Kiết; Yến sào Thanh Nhàn và Chả cá thát lát Thanh Nhàn của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở xã Gia An,
Hàng thủ công mỹ nghệ có vòng đeo tay Hữu Lộc của hộ kinh doanh Phan Hữu Lộc ở xã Măng Tố huyện Tánh Linh(Bình Thuận).
Theo ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, căn cứ vào Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021- 2025 và Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đợt 2 này huyện Tánh Linh có 6 sản phẩm trên đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện.
Những sản phẩm này được UBND huyện Tánh Linh huyện cấp Giấy chứng nhận, được sử dụng tem chứng nhận “OCOP 3 sao” ghi trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định. Kèm theo đó là tiền 8 triệu đồng thưởng cho mỗi sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Trao đổi với Dân Việt, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết, gia đình rất vui khi có 2 sản phẩm là Yến sào Thanh Nhàn và Chả cá thát lát Thanh Nhàn của gia đình mình được các cơ quan chức năng công nhận OCOP 3 sao.
Theo chị Thanh Nhàn, mùa Tết Ất Tỵ – 2025 cơ sở của chị đưa ra thị trường bán tết với số lượng từ 7 đến 8 tấn chả cá thát lát và giá bán mỗi ký khoảng 270.000 đồng/kg. Gia đình chị Nhàn cam kết sản phẩm không có sử dụng chất cấm, được làm theo phương pháp truyền thống…
Chị Trịnh Thanh Nga một du khách ở TP.HCM cho biết, hè năm 2024 khi đi du lịch ở Tánh Linh cho được người bạn mời ăn chả cá thát lát Tánh Linh.
“Nghe người bạn mời tôi rất ngạc nhiên bởi lâu nay, nói đến chả cá thát lát thì nhiều người nghĩ ngay đến vùng ĐBSCL nhưng tôi không ngờ khi ăn chả cá thát lát của huyện Tánh Linh (Bình Thuận) tôi thấy rất ngon và ấn tượng với món gon này. Hiện nay mỗi hàng tháng tôi đều nhờ người quen mua chả cá thát lát ở vùng núi này gửi về TP.HCM cho gia đình sử dụng…”, chị Trịnh Thanh Nga chia sẻ.
Theo các chuyên gia ẩm thực, chả cá thát lát Tánh Linh ngon bởi nhiều yếu tố nhưng có yếu tố nhưng có một yếu tố quan trọng là do cá được hưởng nguồn nước từ sông La Ngà nên chả cá thát lát ở Tánh Linh không bị mùi tanh bùn như một số nơi.
Ngược lại, chả cá Tánh Linh có thịt trắng, thơm, ngọt nhẹ, rất dai. Có một số món chả cá Tánh Linh ngon nổi tiếng là chả cá chiên ăn kèm cải xanh chấm xì dầu hoặc nước mắm chua ngọt. Chả cá nấu canh khổ qua, lá hoặc trái khổ qua rừng…
Bí quyết nuôi cá thát lát sạch
Theo tìm hiểu của Dân Việt, xã Gia An huyện Tánh Linh là xã có diện tích mặt nước ngọt lớn nhất trên địa bàn huyện, với diện tích hồ Biển Lạc hơn 1.000 ha, diện tích các ao, bàu hơn 100 ha nên rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi cá thát lát.
Theo UBND huyện Tánh Linh, sông La Ngà bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh, qua hồ thuỷ điện Hàm Thuận – Đa Mi, chảy qua huyện Tánh Linh với chiều dài 50km, hồ Biển Lạc là rốn chứa của con sông này nên rất thuận tiện việc nuôi cá thát lát…
Nhiều năm trước đây, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp cùng các hộ dân trong xã triển khai nuôi thử nghiệm nuôi cá thát lát theo hướng an toàn sinh học (ATSH) tại xã Gia An.
Mô hình nuôi cá thát lát kết hợp với tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để phát triển thương hiệu chả cá thát lát Tánh Linh sau đó được phát triển rất mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt như cá thát lát ở xã Gia An nhằm hướng cho bà con tích cực đến công tác nuôi thủy sản để sạch để hạn chế tình trạng sử dụng các loại hóa chất cấm. Bên cạnh đó là không sử dụng kháng sinh mà chỉ sử dụng các loại hóa chất an toàn cho cá nuôi và con người như vôi bột, muối, tỏi xay nhuyễn, cây lá xoan…
Việc này này để hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng, góp phần ổn định đầu ra của sản phẩm, đem lại kinh tế cao.
Song song với việc tư vấn kỹ thuật nuôi cá thát lát sạch, các cơ quan chức năng huyện Tánh Linh còn hỗ trợ bà con tìm đầu ra như kêu gọi doanh nghiệp thu mua cá thương phẩm. Nhờ đó đã tạo nên chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm được đưa đến tận tay người tiêu dùng nên bà con rất yên tâm sản xuất, các hộ nuôi cá không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm.
Theo nhận định của Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, cá thát lát là loài cá nuôi nước ngọt có thể phát triển ở các hình thức nuôi như lồng bè, nuôi ao có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định nhờ đó đã tạo nên thương hiệu chả cá thát lát của Tánh Linh( Bình Thuận) với người tiêu dùng gần xa…
Nguồn: https://danviet.vn/hai-san-pham-ocop-moi-nhat-o-tanh-linh-cua-binh-thuan-la-dac-san-co-loai-lam-tu-ca-dac-san-20250117153105491.htm